Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh hướng dẫn triển khai tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN. |
Tuần tới, dự kiến công bố Danh mục các xét nghiệm có thể liên thông
Tại Hội nghị triển khai tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học, hướng tới liên thông kết quả xét nghiệm diễn ra chiều 23/6, tại Hà Nội, Ths Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết: Dự kiến, tuần tới, Bộ Y tế sẽ ban hành Danh mục các xét nghiệm có thể liên thông được và sẽ ướng dẫn các bệnh viện phương thức thực hiện. Ngay khi Danh mục này ban hành thì các bệnh viện có phòng xét nghiệm đạt ISO 15189 đều có thể thực hiện việc liên thông.
Theo thống kê, hiện có khoảng 50 phòng xét nghiệm thuộc các bệnh viện đạt Tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189. Ví dụ, Bệnh viện Bạch Mai (3 phòng xét nghiệm), Viện Huyết học và truyền máu trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh… Trong tháng 7/2017 tới, Bộ Y tế sẽ thành lập đoàn đánh giá và công bố mức chất lượng của các phòng xét nghiệm trong diện thực hiện liên thông.
Thời gian qua, Việt Nam đã lấy Tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189 làm Tiêu chuẩn Việt Nam cho phòng xét nghiệm. Tuy nhiên, để tất cả các phòng xét nghiệm đạt Tiêu chuẩn ISO 15189 là khó khả thi. Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng riêng Bộ Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm từng bước nâng cao chất lượng các phòng xét nghiệm còn lại.
Cũng theo Ths Nguyễn Trọng Khoa, Danh mục các xét nghiệm có thể liên thông gồm nhiều lĩnh vực (huyết học, hóa sinh, vi sinh…). Mỗi một lĩnh vực có khoảng 20 - 30 xét nghiệm được công nhận sử dụng, trong đó có những kết quả xét nghiệm có thời hạn sử dụng quả theo ngày, tuần hoặc tháng.
Tuy nhiên, bác sĩ vẫn là người hoàn toàn có quyền chỉ định xét nghiệm cần thiết phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bệnh nhân. Mục đích liên thông kết quả được hướng tới là giảm xét nghiệm, giảm chi phí nhưng không ảnh hưởng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
“Chúng tôi đã thảo luận với các cơ quan liên quan và đều thống nhất tiến tới, giá xét nghiệm sẽ tăng theo mức đánh chất lượng phòng xét nghiệm, mức đánh giá thấp thì giá xét nghiệm sẽ thấp và ngược lại chứ không cùng chung một giá như hiện nay”, Ths Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.
Lãnh đạo bệnh viện “chưa quan tâm”
Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa là bệnh viện hạng I đang đầu tư trang thiết bị y tế để chuẩn hóa quy trình liên thông kết quả xét nghiệm. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Dự kiến, từ 1/7/2017, một số bệnh viện tuyến trung ương sẽ áp dụng liên thông xét nghiệm nhằm kiểm soát lạm dụng xét nghiệm, giảm chi phí và phiền hà cho bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương này, nhất là việc cải thiện chất lượng xét nghiệm tai các cơ sở y tế đang gặp nhiều khó khăn.
Theo một đại diện Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, Trường Đại học Y Hà Nội, thực tế, nhận thức về quản lý chất lượng xét nghiệm của các lãnh đạo bệnh viện chưa đầy đủ; trang thiết bị và sinh phẩm nhiều nơi chưa đồng bộ. Đặc biệt, vấn đề bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị chưa được quan tâm đúng mức trong khi công tác kiểm tra giám sát tại các cơ sở y tế còn hạn chế.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, Ths Nguyễn Trọng Khoa, cũng cho rằng, nhân lực, cơ sở vật chất, kiểm chuẩn trang thiết bị y tế, đặc biệt sự quan tâm của các lãnh đạo, bác sĩ đang là những “lực cản” trong việc nâng cao chất lượng các phòng xét nghiệm.
Hiện nay, ở các cơ sở y tế tuyến huyện, phòng khám tư nhân khó đạt được những tiêu chí đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm y học mà Bộ Y tế đã ban hành. Tuy nhiên, đây vẫn là hướng đi để các đơn vị buộc phải phấn đấu, cố gắng thực hiện nâng cao chất lượng xét nghiệm.
Theo thống kê, hàng năm, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các bệnh viện, có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm.
“Tốc độ tăng trưởng xét nghiệm luôn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng bệnh nhân và vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao. Chính vì vậy, đã có nhiều người nghi ngại, đặt câu hỏi liệu có "quá tay" trong việc chỉ định xét nghiệm tại các cơ sở y tế?”, Ths Nguyễn Trọng Khoa, chia sẻ.
Do đó, khi chất lượng xét nghiệm có độ tin cậy cao hơn, cơ sở khám chữa bệnh này có thể tin tưởng, sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác, một số xét nghiệm không phải làm lại... chắc chắn sẽ tránh được lãng phí trong xét nghiệm. Ước tính, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm và tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỷ đồng/năm.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định: Xét nghiệm có vai trò vô cùng trong chẩn đoán, theo dõi quá trình điều trị cho bệnh nhân… Thậm chí, còn giúp các bác sĩ đánh giá, phát hiện việc điều trị thất bại, để có những phương pháp hiệu quả hơn cho người bệnh.
“Đặc biệt, thời gian qua, dư luận cũng xôn xao vấn đề lạm dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT trong lĩnh vực xét nghiệm đã gây lãng phí cho cả người bệnh, ví dụ bệnh nhân từ bệnh viện A chuyển sang bệnh viện B nhưng hiện nay, do chưa tin tưởng kết quả của nhau nên còn xét nghiệm lại, mất nhiều thời gian, lãng phí. Do đó, cần phải thực hiện đánh giá phòng xét nghiệm y học để nâng cao chất lượng ở những nơi chưa đạt. Từ đó tiến tới thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế nhằm giảm chi phí, giảm phiền hà cho người bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Theo lộ trình, trước ngày 1/1/2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I. Đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trong cùng một địa bàn tỉnh, thành phố. Đến năm 2025 liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. |