Tiền lương trong khu vực doanh nghiệp cũng từng bước được hoàn thiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước chưa thực sự gắn tiền lương của người lao động với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Vậy, giải pháp nào để đảm bảo công bằng cho người lao động từ chính sách tiền lương, những chia sẻ dưới đây của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã làm rõ hơn vấn đề này.
“Mấu chốt” đánh giá năng lực lao động
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, có nhiều điểm mới trong đề án cải cách tiền lương đợt này. Nhưng muốn thực hiện được cải cách tiền lương thì yêu cầu phải sắp xếp lại đội ngũ, bộ máy, tinh giản biên chế. Tuy nhiên, có giảm được 10% biên chế không thì là một câu chuyện khác vì phải cân đối giữa biên chế, quỹ lương để tăng hiệu quả, hiệu suất lao động.
Ngoài ra, Trung ương cũng nhấn mạnh đến việc tìm cách tiết kiệm các nguồn khác, phân phối, đầu tư, phát triển, tiêu dùng... để tăng thêm nguồn cho cải cách. Đồng thời, xác định phải thiết kế lại hệ thống lương, trong khu vực hành chính thì quay lại chế độ lương theo chức vụ, vị trí việc làm. Hiện tại, nước ta đang thiết kế theo lương chuyên môn cộng với phụ cấp chức vụ.
Cùng với đó, thực hiện đổi mới cơ chế trả lương, tức là khu vực doanh nghiệp, họ tự đánh giá hiệu suất lao động, nhưng việc này ở khu vực công chức vẫn chưa làm được. Người làm tốt cũng như người làm không tốt và điều này sẽ không tạo động lực phấn đấu của người lao động. Đây là mấu chốt đánh giá xác định công việc của người lao động nhưng còn ai đánh giá, đánh giá thế nào thì phải tính toán.
Ông Phạm Minh Huân cũng cho hay, đối với khu vực sự nghiệp thì sẽ chuyển dần sang tự chủ, tự chủ hoàn toàn hoặc một phần. Cùng đó, giao cho các đơn vị tự chủ, lãnh đạo phải tự chủ trong hoàn thành nhiệm vụ, tài chính, con người và trả lương.... Chúng ta ở giai đoạn cũ rất dài, nên chuyển từ biên chế sang cơ chế hợp đồng cũng là rất khó.
Khối doanh nghiệp sẽ tiếp tục được nhà nước can thiệp ở mức lương tối thiểu, nâng dần mức lương tối thiểu lên để bảo vệ người lao động yếu thế, tăng cường khuyến khích cơ chế đối thoại trong vấn đề tiền lương, để đại diện lao động là công đoàn phải bảo vệ, giảm sức ép cho người lao động. Đây là vấn đề cơ bản nhất của tiền lương, còn đi vào các giải pháp cụ thể thì sẽ phải thiết kế dần.
"Nếu thực hiện được những vấn đề Trung ương đặt ra tất nhiên phải theo lộ trình thì chắc chắn tiền lương đảm bảo nguyên tắc công bằng, người làm tốt sẽ được hưởng lương cao hơn. Bên cạnh đó, tiền lương cũng sẽ đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Cùng với đó, bộ máy hành chính sẽ hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, nguồn chi trả lương cũng tiết kiệm hơn", ông Phạm Minh Huân nói.
Hài hòa lợi ích
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Văn phòng giới chủ lao động cho rằng, doanh nghiệp rất hưởng ứng với những điểm mới được đề xuất theo Đề án cải cách chính sách tiền lương mới, doanh nghiệp được tự chủ quyết định chính sách tiền lương; trong đó, có thang, bảng lương, định mức lao động và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp. Đây cũng là điều mà cộng đồng doanh nghiệp lên tiếng từ nhiều năm qua, để bảo vệ quyền chủ động trong sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động của mình.
Việc bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ cũng là cần thiết để nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động. Đồng thời, tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động trong việc trả lương. Tuy vậy, việc trả lương tối thiểu theo giờ chỉ dành cho công việc trong điều kiện lao động giản đơn, công việc không đầy đủ, công việc trong thời gian ngắn và linh hoạt.
Việc tự quyết chính sách tiền lương và trả lương theo năng suất lao động cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng là điều hợp lý và phản ánh đúng xu hướng phát triển. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động sẽ là bài toán khó, cần nhiều giải pháp.
Theo khuyến nghị của VCCI, khi doanh nghiệp được quyền tự chủ về hệ thống chính sách trả lương, doanh nghiệp cần đưa ra phương án phù hợp với mô hình và yêu cầu kinh doanh của mình. Nhưng muốn đạt được hài hòa về lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động, cần có sự hoàn thiện về cơ chế thỏa thuận tiền lương, thông qua việc thiết lập cơ chế đối thoại, thương lượng và thỏa thuận giữa các chủ thể trong quan hệ lao động theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ.
Là đơn vị sử dụng nhiều lao động, trong những năm qua, việc cải cách tiền lương đã được Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đặc biệt quan tâm nhằm “níu chân” công nhân mỏ. Theo ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, hiện nay, thu nhập của thợ lò vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của TKV. Mức thu nhập bình quân của thợ lò khi đi làm đủ ngày công đạt từ 13-15 triệu đồng/người/tháng. Hàng trăm thợ lò hiện đã có mức thu nhập trên 20 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, Tập đoàn vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng lương cho người lao động 5% mỗi năm để phù hợp với tốc độ tăng năng suất lao động và quá trình tái cơ cấu lực lượng lao động. Tập đoàn quyết tâm thực hiện phương châm “Doanh nghiệp ít người, thu nhập cao” và “Tiền lương bình quân của người lao động tăng nhưng chi phí tiền lương của doanh nghiệp giảm”. Đồng thời, phấn đấu tỷ trọng tiền lương trong giá thành đến năm 2020 giảm còn 16%, đến năm 2030 giảm còn 10%, nhưng tiền lương tuyệt đối chi cho người lao động sẽ tiếp tục tăng cao. Đặc biệt là mức thu nhập của lao động chính, thợ lò đến năm 2020 sẽ phấn đấu đạt 1.300 USD/tháng.
Mỏ càng ít người, càng hiện đại thì lương công nhân sẽ càng cao. Máy móc và các thiết bị cơ giới hóa, tự động hóa trong hầu hết các dây chuyền sản xuất như khai thác, vận tải, chế biến, sàng tuyển, cấp phát vật tư, nhiên liệu... sẽ dần được đầu tư thay thế sức lao động của con người, năng suất lao động sẽ tăng cao hơn. Khi đó, thu nhập của người lao động sẽ tăng cao...
Ông Đặng Thanh Hải cũng cho hay, đây là nhiệm vụ đã được định hướng triển khai từ nhiều năm nay và đã đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để đạt mục tiêu, các bước công việc còn nhiều. Trong đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu đặt ra là nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Muốn xây dựng mỏ ít người thì phải đầu tư các máy móc thiết bị hiện đại dần thay thế sức lao động của con người. Muốn hiện đại các mỏ thì cần phải có những kỹ sư giỏi, phải có những công nhân lành nghề. Điều đó cho thấy, nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định sự phát triển, đi lên giàu mạnh của Tập đoàn trong tương lai và sẽ được lãnh đạo Tập đoàn đặc biệt quan tâm.