VIDEO: Lãng phí công trình cầu bộ hành, hầm đi bộ tiền tỷ
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, cầu vượt bộ hành trên phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) được xây dựng ở nơi có mật độ giao thông đông đúc, gần 2 bệnh viện lớn, điểm đón xe buýt ngay dưới cầu thang lên xuống, tuy nhiên cả ngày cũng không có ai đi bộ qua cầu. Lý do là vì bề rộng phố Thanh Nhàn chỉ khoảng 15 mét, không có dải phân cách cứng nên người dân lựa chọn đi thẳng qua đường.
Chị Nguyễn Thị Thủy (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Lối lên cầu dốc, nhiều bậc thang, không có mái che nên tôi thường đi bộ qua đường luôn. Những người trẻ khỏe còn ngại nữa là những người ốm, người già không thể có sức leo lên cầu được. Cầu vượt này quá lãng phí, để lâu cũng han rỉ, chẳng có người đi”.
Cầu vượt bộ hành trên đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm) cũng đồng cảnh đìu hiu, do được xây dựng ở nơi thưa dân cư, ít người qua lại. Chưa kể, thiết kế cây cầu này có một lối lên xuống ở dải phân cách giữa đi thẳng vào bụi cây, gây lãng phí, bức xúc trong dư luận.
Anh Nguyễn Văn Hòa (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) thường xuyên di chuyển trên đường Lê Quang Đạo cho biết: “Cầu vượt bộ hành này được xây dựng cùng thời điểm đường đua F1, ban ngày hầu như không có người qua lại vì xung quanh không có khu dân cư. Buổi tối có mấy người lên đó hóng mát, ngồi ăn uống. Thiết kế lối lên xuống ở giữa dải phân cách là thừa, người dân đi lại buổi tối cũng không an tâm vì chỗ đó toàn bụi rậm, cây cỏ um tùm”.
Một số hầm đi bộ trên đường Phạm Hùng gần nút giao phố Mạc Thái Tổ, phố Mạc Thái Tông, mặc dù được vệ sinh sạch sẽ, thắp sáng cả ngày, nhưng người đi bộ cũng không mặn mà. Suốt một buổi sáng, cũng chỉ lác đác vài người đi bộ xuống hầm. Trong khi đó, những khoản phí để bảo trì, vận hành hầm đi bộ vẫn phải duy trì.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết: “Đèn trong hầm đi bộ sáng cả ngày nhưng chỉ có vài người qua lại thì rất lãng phí điện năng, chưa kể công nhân vệ sinh, bảo trì còn tốn kém thêm bao nhiêu nữa. Khu này ít dân cư, nên buổi tối chẳng ai dám đi bộ qua hầm vì sợ tệ nạn, trộm cắp”.
Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội, đơn vị duy tu, duy trì vận hành hầm, cầu bộ hành trên địa bàn TP Hà Nội được giao quản lý 31 hầm đi bộ, 28 cầu bộ hành. Theo quy định, tất cả công trình cầu, hầm đều có người trông giữ, vệ sinh thường xuyên, mỗi ngày chia hai ca phục vụ đến 22 giờ.
“Năm 2022, chi phí quản lý, bảo trì, vận hành các công trình này khoảng 10 tỷ đồng, trong đó, 31 hầm đi bộ là 6,76 tỷ đồng, 28 cầu bộ hành 2,8 tỷ đồng. Dù được trang bị đầu tư khá lớn nhưng hiện tại các công trình hầm, cầu bộ hành rất ít người sử dụng, thay vào đó, người dân lại sang đường tùy tiện, bất chấp an toàn giao thông”, đại diện Công ty cổ phần Công trình giao thông 2 Hà Nội cho biết.
Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được cơ quan chức năng đưa ra như tuyên truyền văn hóa giao thông, làm hàng rào trên dải phân cách để ngăn người đi bộ băng qua đường,… Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, các giải pháp trên chỉ xử lý được “phần ngọn”, cốt lõi là các công trình hầm đi bộ, cầu vượt bộ hành phải được bố trí, thiết kế hợp lý, tạo thuận lợi cho người dân thì mới đem lại hiệu quả, tránh lãng phí.
Chuyên gia giao thông, Ths. Đỗ Cao Phan cho rằng: “Hiện nay, ở Hà Nội có không ít hầm đi bộ ở xa lộ vắng người qua lại, nếu nhu cầu chưa cao, có thể đóng cửa để bảo vệ hạ tầng, tránh xuống cấp, lãng phí. Khi đô thị hóa tới khu vực hầm đi bộ, chỉ cần chỉnh trang là có thể sử dụng vì đã sẵn hạ tầng”.
Còn theo Ths. Vũ Anh Tuấn, giảng viên trường Đại học Giao thông Vận: “Hầu hết các công trình cầu vượt cho người đi bộ hiện nay là kết cấu thép, có thể lắp ghép, di dời được. TP Hà Nội nên đánh giá lại thực thế nhu cầu sử dụng của người dân để bố trí, di dời cầu đi bộ đến vị trí phù hợp, tránh lãng phí”.