Nhiều giải pháp đã phát huy hiệu quả cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn. Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, để giải quyết triệt để các nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên địa bàn, thành phố cần phải có những giải pháp đồng bộ, mang tính tổng thể với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và sự ủng hộ của người dân.
Cần giải pháp tổng thể, đồng bộTheo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Giao thông, hiện chúng ta đang thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau đó mới quy hoạch giao thông, điều này là chưa hợp lý trong khi các nước phát triển thực hiện quy hoạch tích hợp, giao thông gắn liền với sử dụng đất. Bên cạnh đó, nhiều dự án của Thủ đô đầu tư không theo quy hoạch trong khi tầm nhìn quy hoạch không dài lại không tuân thủ nghiêm túc trong quản lý quy hoạch.
Hà Nội cần nhiều giải pháp để giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Ông Bùi Danh Liêm, Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội cho rằng, để giải bài toán ùn tắc giao thông cho Hà Nội không thể trong một sớm một chiều. Bài toán này cần có sự tham gia đồng bộ của nhiều bộ, ngành và của cả người tham gia giao thông. Tất cả các giải pháp cần lấy ý kiến phản biện của nhân dân, giải quyết thấu đáo các phản biện trước khi thực hiện, tránh tình trạng dự án đưa đầu tư chi phí lớn, thời gian kéo dài song hoạt động lại chưa hiệu quả.
Những tồn tại bất cập được các chuyên gia giao thông chỉ ra cho thấy bài toán ùn tắc giao thông ở Thủ đô chỉ có thể giải quyết được khi có những giải pháp đồng bộ mang tính tổng thể với sự điều khiển của một “nhạc trưởng” là Ban chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông mới có thể giải quyết triệt để tận gốc vấn đề này.
Nỗ lực thực hiệnXác định giải quyết ùn tắc giao thông là nhiệm vụ quan trọng, từ đầu tháng 12/2015, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua kế hoạch giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho Hà Nội với kinh phí 2.167 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2016 -2020.
Mục tiêu của giai đoạn này là triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và trên tất cả các trục hướng tâm chính ra vào nội đô, các đường vành đai 1, 2 và 3, các khu vực đầu mối giao thông. Theo đó phấn đấu giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn. Mỗi năm sẽ giảm tai nạn giao thông từ 5 – 15% trên cả ba tiêu chí.
Thực hiện mục tiêu này, ngoài tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, Hà Nội sẽ ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ trong quản lý điều hành, xây dựng Trung tâm quản lý giao thông công cộng chung, từng bước hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Trong giai đoạn này thành phố sẽ cải tạo 50 tuyến đường, nút giao và lắp đặt 65 nút đèn tín hiệu. Tiếp tục lắp đặt một số cầu thép lắp ghép, dàn benley trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện 10 dự án đã được phê duyệt trước đây và sẽ triển khai 6 dự án có vai trò quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông, đảo bảo an toàn giao thông.
Để triển khai kế hoạch này, UBND thành phố đề xuất tổng kinh phí giai đoạn 2016 – 2020 là 2.167 tỷ đồng, được phân bổ theo từng năm. Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm theo tinh thần Luật Thủ đô. Các bộ, ngành Trung ương sau khi di dời trụ sở địa điểm mới, đề nghị giao lại các trụ sở cũ cho thành phố Hà Nội quản lý, sử dụng vào mục đích giao thông công cộng.
Năm 2017, đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030" cũng đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, UBND thành phố cũng đã phê duyệt để triển khai thực hiện.
Thành phố cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, kêu gọi người dân hiến kế giải quyết ùn tắc giao thông cho Thủ đô. Đặc biệt năm 2017, thành phố đã trao giải hơn 2 tỷ đồng cho ý tưởng chống ùn tắc giao thông Hà Nội. Ý tưởng được trao giải đã đưa ra 7 chiến lược nhằm chống ùn tắc giao thông cho Hà Nội. Đó là mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông. Đô thị xây đến đâu phải có đường xây cùng đến đó, phát triển một cách đồng bộ. Cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân. Tháo gỡ những nút giao gây ách tắc giao thông, bố trí thêm các bãi đỗ xe…
Phát triển hệ thống giao thông công cộng, mà cụ thể là phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT, hệ thống đường sắt đô thị… Giải pháp mềm chuyển đổi dần nhu cầu, ý thức của người dân từ việc chuyển đổi xe máy, xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng. Đề ra biện pháp quản lý giao thông, những luật lệ giao thông mà mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành, trách ùn tắc. Phát triển đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển các điểm khớp nối giao thông, phát triển theo định hướng ưu tiên giao thông công cộng. Lộ trình để thực hiện những chiến lược trên, thứ tự các chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Sự liên kết phát triển trong việc thực hiện các chiến lược trên. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan đang tham vấn ý kiến chuyên gia để sớm áp dụng ý tưởng này vào thực tiễn .
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn, trong năm 2018 này, thành phố sẽ thực hiện hàng loạt các giải pháp phấn đấu không để xảy ra ùn tắc giao thông quá 30 phút, xóa bỏ thêm 10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế và giải quyết kịp thời điểm ùn tắc mới phát sinh; giảm 5 – 10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí so với năm 2017.
Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, cấp bách; trong đó sẽ hoàn thành đường vành đai 3 dưới thấp (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; cầu vượt qua nút giao An Dương - Thanh Niên. Đồng thời tăng cường công tác quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý giao thông, điều hành giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài quá 30 phút. Tiếp tục triển khai dịch vụ đỗ xe thông minh (IPARKING) trên địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành hỗ trợ thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm thiểu ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030” để giảm ùn tắc giao thông một cách bền vững trên địa bàn thành phố.