Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường đang là một thách thức lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Việc nâng cao hiệu quả phân loại rác tại nguồn và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là việc làm thiết thực và rất có ý nghĩa góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, tận dụng khối lượng lớn chất thải rắn để sản xuất phân bón hữu cơ thực hiện kinh tế tuần hoàn, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Tại hội nghị, đại diện các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chia sẻ những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong việc phân loại rác tại nguồn, và sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó giải pháp hiệu quả nhất là ứng dụng kỹ thuật IMO trong phát triển nông nghiệp sạch.
Ông Trần Văn Mười, nông dân xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu cho biết, sử dụng IMO sẽ giúp người nông dân tận thu được các phụ phẩm nông nghiệp ở trong vườn như: trái non, trái rụng, rau rác, tất cả cho vào hầm, bồn và đổ men vào ngâm sau đó đem ra sử dụng. Nhờ sử dụng ứng dụng này, giúp khu vườn lúc nào cũng sạch sẽ, lá, trái non rụng được thu gom lại để sử dụng làm phân bón “nuôi” lại khu vườn.
Về vấn đề phân loại rác tại nguồn, nhiều đại biểu tham dự hội nghị cũng trình bày nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc phân loại, thu gom và nâng cao ý thức người dân.
Ông Phạm Lê Nhân, Bí thư xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu cho biết, việc tuyên truyền cho người dân về phân loại rác thải tại đã được địa phương triển khai từ rất lâu. Tuy nhiên, hiện nay ý thức của nhiều người dân chưa đạt với nhu cầu thực tế. Vì vậy để thực hiện tốt việc tuyên truyền cần có những giải pháp gì?
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân Tiên, Phó phòng Tài nguyên môi trường huyện Cẩm Mỹ chia sẻ, để làm tốt việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn thì giám sát là rất quan trọng. Một người cán bộ có thể giám sát không tốt nhưng nhiều người cùng giám sát thì hiệu quả rất lớn.
Vì vậy các cấp hội phải giám sát thường xuyên cũng như thực hiện việc tuyên truyền liên tục cho người dân. Thậm chí mạnh dạn in các điều khoản, chế tài xử lý vi phạm hành chính nếu vi phạm để người dân được nắm rõ.
Kết luận hội thảo, ông Trần Trọng Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Đồng Nai đề nghị, thời gian tới địa phương cần nâng cao hơn công tác phân loại rác thải tại nguồn. Từ ấp đến xã cần có phương án cụ thể, tuyên truyền vận động người dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn.
Đối với việc sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rác hữu cơ trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, ông Trần Trọng Toàn cho biết, ứng dụng IMO đã đạt được những kết quả nhất định trong thời gian qua, vì vậy các địa phương cần đưa ra những nhận định, thống kê rõ ràng về hiệu quả để làm cơ sở nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.