Tại Hội nghị, gần 150 phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương đã được nghe các chuyên đề về công tác giám sát quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; thông tuyến khám chữa bệnh, nâng giá viện phí, tình trạng bộ chi và giải pháp hạn chế bội chi, ngăn chặn trục lơi quỹ bảo hiểm y tế; thực trạng và giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Bệnh viện đa khoa huyện Việt Yên quản lý 100.000 thẻ BHYT, số lượt khám sau thông tuyến tăng 15%, công suất sử dụng giường bệnh tăng. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Theo ông Lê Văn Phúc, thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thời gian qua đã dẫn đến tình trạng bệnh nhân bỏ cơ sở y tế tuyến xã, dồn lên khám, chữa bệnh ở tuyến huyện, trong khi một số cơ sở chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu khi có số lượng lớn bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.
Năm 2016, tần suất khám chữa bệnh tuyến huyện tăng lên 20% so với 2015, trong khi tuyến xã giảm đi 15%. Có những địa phương, tần suất khám chữa bệnh tuyến xã giảm đến trên 30%. Chính vì vậy, chất lượng khám, chữa bệnh không bảo đảm, có bệnh viện, một ngày, một bác sỹ khám đến 100 bệnh nhân.
Dẫn chứng từ câu chuyện “mục sở thị” một bệnh viện, ông Phúc cho biết, khi xem phiếu cấp thuốc của bệnh nhân chỉ có tên, giở sổ y bạ chỉ có một chẩn đoán, không ghi triệu chứng, kèm theo đó là đơn thuốc không có chữ ký của bác sỹ. Mặc dù tại bàn khám có bác sỹ và điều dưỡng, nhưng thực tế người khám cho bệnh nhân chính là điều dưỡng.
Theo ông Phúc, phần mềm trên máy tính đều có, các loại bệnh tật đã có sẵn trên máy tính nên điều dưỡng này chỉ cần chọn bệnh và kê thuốc theo “mẫu”.
Điều Bảo hiểm xã hội Việt Nam mong muốn là việc thăm khám, hỏi bệnh kỹ càng để giảm các xét nghiệm cận lâm sàng, nhưng trên thực tế hiện nhiều bệnh viện lạm dụng các kỹ thuật cao, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật để tăng thu cho cơ sở khám chữa bệnh, lôi kéo người bệnh, bệnh nhân đau đầu thông thường cũng chỉ định đi chụp CT - scaner, điện não đồ. Do vậy, đã tác động lớn đến việc thông tuyến khám chữa bệnh và quỹ bảo hiểm y tế.
Một tác động không mong muốn nữa được ông Phúc đề cập, đó là thông tuyến khám chữa bệnh đã dẫn đến tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế từ phía người bệnh. Có trường hợp đi khám vài trăm lần trong khoảng 3 tháng, coi việc đi khám, chữa bệnh như một “nghề”, trục lợi quỹ vài chục triệu đồng, trong khi mức đóng trung bình chỉ 900.000 đồng/năm, làm ảnh hưởng lớn đến quỹ bảo hiểm xã hội và đến cộng đồng.
Một trong những giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng trục lợi này được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện là đưa hệ thống giám định điện tử vào hoạt động. Mặc dù việc triển khai hệ thống giám định điện tử thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, kiểm soát được lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh, nhưng theo ông Phúc, hiện có một số địa phương chưa đưa được dữ liệu điện tử lên cổng, phải từ 1-3 ngày sau mới đưa lên nên không nắm bắt được những ngày sau đó bệnh nhân đi khám ở đâu, chưa thể kiểm soát tốt việc trục lợi bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có kiến nghị với ngành Y tế có biện pháp cứng rắn để đảm bảo việc khám, chữa bệnh theo đúng quy định, một bác sỹ khám không quá 50 người/ngày.