"Những nông dân Việt Nam đầu tiên được tiếp cận
công nghệ biến đổi gen đều vui mừng trước hiệu quả đem lại từ vụ đầu tiên gieo
trồng giống ngô biến đổi gen kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ của tập đoàn
Monsanto”, đại diện ngành nông nghiệp chia sẻ tại lễ khởi động chương trình “Chuyển
giao kiến thức và trải nghiệm canh tác ngô biến đổi gen”, diễn ra ngày 2/4, tại
xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai).
Trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ngô |
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc nhập siêu ngô hạt vào Việt
Nam không ngừng tăng mạnh trong những năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu của sản
xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Năm 2014 Việt Nam nhập 4,79 triệu tấn ngô hạt,
trị giá 1,22 tỷ USD, tăng 119,05% về lượng so với cùng kỳ 2013. Ba tháng đầu
năm 2015, nhập khẩu ngô đạt 1,78 triệu tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ 2014. Để
giải quyết tình trạng này, trong năm 2014, các cơ quan chức năng đã có những chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu
cây trồng và cấp Giấy phép đủ điều kiện làm thực phẩm thức ăn chăn nuôi và giấy
phép An toàn sinh học cho các sự kiện ngô biến đổi gen kháng sâu và chống chịu
thuốc trừ cỏ sau gần một thập kỷ hình thành và hoàn thiện khung pháp lý.
Đồng hành cùng với quyết tâm của chính phủ Việt Nam, bắt đầu từ năm
2015, công ty Dekalb Việt Nam (thuộc tập đoàn Monsanto, Mỹ) triển khai chương
trình “Chuyển giao kiến thức và trải nghiệm canh tác ngô biến đổi gen” tại Việt
Nam. Các hoạt động của chương trình bao gồm các điểm trình diễn, tập huấn kỹ
thuật canh tác và đánh giá hiệu quả thực tế của ngô biến đổi gen không nhằm mục
đích thương mại được tổ chức, nhằm giúp hàng vạn nông dân Việt Nam được trực tiếp
trải nghiệm và đánh giá hiệu quả của việc ứng dụng ngô biến đổi gen trong điều
kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác đặc thù tại Việt Nam. Và Đồng Nai là một
trong những địa phương triển khai đầu tiên.
Lão nông Nguyễn Lâm tưới nước cho ruộng ngô của gia đình |
Chương trình đã bước đầu chứng minh được hiệu quả. Những ngày đầu tháng
4 này, giữa cánh đồng bắp tung cờ mạnh mẽ trải dài trên diện tích hơn 20.000m2,
ông Nguyễn Lâm, lão nông với gần bốn thập kỷ gắn bó với cây bắp tại Đồng Nai, đồng
thời là một trong những nông dân đầu tiên trực tiếp trồng ngô biến đổi gen tại
Việt Nam chia sẻ: “Tôi trồng bắp từ năm 1977, vùng Lăng Minh này anh chị hỏi
ông Lâm làm bắp là ai cũng biết. Mỗi năm tôi trồng hai vụ lúa, một vụ bắp. Mấy
chục năm qua năm nào tôi cũng trồng bắp, tôi mướn thêm đất để trồng, trồng nhiều
giống của nhiều công ty. Năm nay, tôi hợp tác với công ty Dekalb (Monsanto) làm
thử giống ngô biến đổi gen kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ. Công ty cung cấp
giống và hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho tôi trồng. Về sâu, với giống không chống
sâu thì mỗi vụ tôi phải phun thuốc và thuê công xịt từ hai đến ba lần, mỗi lần
hết cả triệu đồng. Về cỏ, với giống chưa biến đổi gen mỗi vụ tôi phải xịt hai đến
ba lần thuốc cỏ. Giờ trồng bắp biến đổi gen vừa kháng sâu vừa chịu thuốc trừ cỏ
từ đầu đến giờ tôi xịt cỏ có một lần, sâu thì không phải làm. Đến giờ này, sâu
cũng không có, cỏ cũng không có. Người nông dân chúng tôi đạt hiệu quả là mừng
chứ có còn cần gì nữa đâu”.
“Được tận mắt chứng kiến và nghe nông dân chia sẻ về những lợi ích thu được nhờ công nghệ biến đổi
gen trong quản lý mùa vụ, giảm chi phí canh tác và giảm thiệt hại năng suất do
sâu hại; đồng thời nhìn thấy cây ngô sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ, tôi thực
sự vui mừng. Như vậy, có thể kỳ vọng công nghệ biến đổi gen khi ứng dụng vào thực
tế sản xuất trồng trọt tại Việt Nam không những sẽ đem lại lợi ích cho nông dân
mà còn có thể kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện sản lượng và chất lượng ngô trong
nước, hạn chế tình trạng nhập khẩu ngô tăng mạnh trong thời gian qua, đồng thời
bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân nhờ hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu
và trừ cỏ”, ông Phạm Đồng Quảng, phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông Nghiệp
và Phát triển Nông thôn Việt Nam chia sẻ.
Bài, ảnh: DH