Công nghệ mới bị vướng cơ chế
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, lần cấp tần số để sử dụng cho mạng viễn thông gần đây nhất là vào năm 2009 với băng tần 2.100 MHz dành cho 3G. Hiện tại, mạng 4G vẫn đang sử dụng chung băng tần 1.800 MHz và 2.100 MHz cho 2G và 3G. Chính vì sử dụng chung hạ tầng công nghệ cũ khiến tốc độ của 4G bị ảnh hưởng lớn cũng như việc mở rộng và nâng cấp mạng lưới cũng tương đối khó khăn. Công nghệ mới 5G đang triển khai cũng đang gặp “khó” do chưa có tần số riêng.
Để gỡ vướng, cuối năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đã thành lập hội đồng triển khai đấu giá băng tần 2600 MHz nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp viễn thông khi triển khai mạng thông tin di động 4G. Tuy nhiên, kết quả mang lại không khả quan do Bộ TTTT vừa là cơ quan phê duyệt giá khởi điểm, vừa là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư mạng 4G đối với 2 doanh nghiệp nhà nước VNPT và MobiFone.
Trong các năm 2017 và 2018, sau khi Bộ TTTT xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đồng ý không áp dụng Quyết định 16/2012 về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, mà xây dựng nghị định mới trước khi tổ chức đấu giá. Đến tháng 10/2021, Nghị định số 88/2021/NĐ-CP về đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần mới chính thức có hiệu lực.
Đại diện một nhà mạng cho biết, nguồn tiền để đấu giá tần số cho 5G đã sẵn sàng, chỉ đợi Nhà nước cho phép. Tuy nhiên, việc thiếu tần số chính là rào cản lớn nhất. Nếu có băng tần 2.6 GHZ không chỉ mạng 5G được triển khai thuận tiện hơn mà chất lượng mạng 4G cũng sẽ được nâng cấp đáng kể so với hiện tại.
Việc chậm trễ cấp phép cho tần số không chỉ cản trở tốc độ phát triển của ngành viễn thông, mà còn gây thiệt hại lớn đối với ngân sách nhà nước khi giá trị thương mại của những băng tần này rất cao.
Sửa luật để tạo băng thông rộng
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia viễn thông, sở dĩ việc cấp phép tần số mới cho viễn thông bị “tắc” nhiều năm nay nằm ở khâu luật này vướng luật kia. Có thể kể đến như sau khi Luật Tần số vô tuyến điện ra đời thì có hàng loạt các luật khác liên quan tới đấu giá như: Luật Đấu giá tài sản (2016), Luật Đầu tư (2020)… từ đó việc áp dụng luật nào đã gây nhiều lúng túng cho các cơ quan quản lý.
Cũng chính từ hạn chế trên, việc Bộ TTTT chủ trì sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã nhận được sự hưởng ứng từ các nhà mạng cũng như góp ý từ các cơ quan quản lý, chuyên gia. Điều này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia…
Theo đại diện của MobiFone, hiện nay các nhà mạng đều chưa có băng tần chuẩn cho 4G và 5G, điều này lý giải cho việc nhiều thời điểm mạng 4G của MobiFone bị nghẽn không truy cập được, hoặc tốc độ mạng không đạt như chuẩn công bố.
Về phía VNPT, Tổng Giám đốc Huỳnh Quang Liêm bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý nhanh chóng tiến hành đấu giá băng tần viễn thông. Việc đưa nhiều băng tần ra đấu giá không chỉ giúp nhà mạng có thể lựa chọn băng tần phù hợp với chiến lược phát triển, mà còn đảm bảo quyền bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, cuối năm 2009 các doanh nghiệp viễn thông mới được cấp phép sử dụng tần số 3G, trong khi doanh nghiệp cần có 7-10 năm để triển khai mạng và thu hồi vốn đầu tư. Vì vậy, việc đấu giá không được áp dụng ngay khi luật có hiệu lực.
Khi triển khai mạng di động 4G, việc triển khai lại vướng Luật Đấu giá tài sản nên không thực hiện được, do Bộ TTTT vừa là cơ quan phê duyệt giá khởi điểm, vừa là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư đối với 2 doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông.
Theo ông Lê Quang Huy, việc đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, việc hoàn thiện chính sách pháp luật chưa theo kịp quá trình phát triển.
Nguyên nhân chính là do Bộ TTTT chậm trễ trong việc rà soát các quy định mới có liên quan, chưa tổ chức nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế để tham mưu sửa đổi kịp thời văn bản pháp luật để tổ chức đấu giá tần số vô tuyến điện, lúng túng trong xử lý tình huống mới.
Về những thiệt hại trong việc chậm trễ đấu giá tần số vô tuyến điện, ông Lê Quang Huy cho rằng, những thống kê đã được đề cập trong báo cáo số 330 ngày 1/10/2022 của đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Theo Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, vấn đề lớn nhất của tần số là khan hiếm tần số kinh doanh. Trong số 6.000 MHz tần số có thể sử dụng, thì chỉ có 15% là kinh doanh được; 80% tần số còn lại chỉ dùng được cho các mạng chuyên dùng, trong đó có quốc phòng, an ninh.
“Tần số kinh doanh khan hiếm đến mức có nước bán một băng tần 3G cho một nhà mạng đến hàng chục tỷ USD như ở Đức. Vì sự khan hiếm tần số kinh doanh nên vấn đề phân bổ công bằng cho các nhà mạng được đặt ra trong luật 2009 qua hình thức đấu giá, nhưng do các quy định chưa rõ ràng nên hơn 10 năm nay chưa đấu giá được tần số nào”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Việc sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện chủ yếu để làm rõ cách thức phân bổ tần số cho các nhà mạng, cách thức chuyển nhượng tần số, xử lý tần số khi hết hạn giấy phép, cách thức thu hồi tần số nếu nhà mạng không triển khai.
Tần số là tài sản có giá trị cao nên cần được cấp thông qua hình thức đấu giá. Trong thời gian gần đây, Chính phủ đã ban hành nghị định liên quan tới cấp phép, đấu giá, sử dụng tần số vô tuyến điện… Bên cạnh đó, Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV lần này. Đây là cơ sở quan trọng, kết hợp với nghị định liên quan đến cấp phép, đấu giá, sử dụng tần số vô tuyến điện, thì việc đấu giá tần số sẽ sớm được triển khai và gỡ “nút thắt” về ứng dụng công nghệ mới 5G.
Viễn thông đang là lĩnh vực rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không chỉ đóng góp hơn 400.000 tỷ đồng vào ngân sách, mà viễn thông còn được coi là trục “cao tốc” của hạ tầng số khi thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế số - xã hội số.