Theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ban hành ngày 28/3, người lao động (NLĐ) làm việc trong doanh nghiệp (DN) tại khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) hoặc khu vực kinh tế trọng điểm, thuê trọ trong thời gian từ ngày 1/2 đến 30/6, có hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (giao kết và thực hiện trước ngày 1/4), đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, thì được hưởng mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng. NLĐ mới quay lại thị trường lao động được hỗ trợ mức 1 triệu đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng.
Tuy nhiên, sau hơn một tháng từ hồi công bố quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà, đến thời điểm này, đa số mới đang ở công đoạn tập hợp danh sách, cá biệt có người lao động chưa nắm được thông tin về gói hỗ trợ này.
Chị Lê Thu Trang, công nhân KCN Quế Võ, Bắc Ninh cho biết: Tôi vừa nộp hồ sơ để nhận hỗ trợ tiền thuê nhà. Với mức lương cơ bản 4,5 triệu đồng và làm thêm thì được khoảng 6-7 triệu đồng, nếu có tiền hỗ trợ nhà thì giảm bớt khó khăn khăn. Việc xác nhận của chủ nhà gặp khó vì họ không ở tại địa bàn. Chúng tôi phải cử đại diện nhóm công nhân đến chủ nhà ở thành phố Bắc Ninh để xin xác nhận.
Trong khi đó, anh Đoàn Trung Tuấn (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng chưa nắm được cụ thể thủ tục về chính sách này do chưa được phổ biến. “Hiện công ty đang khó khăn, nợ lương và nợ cả BHXH nên không rõ trường hợp như vậy sẽ được giải quyết như thế nào? Tiền thuê nhà khu vực này khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu mỗi tháng nên được hỗ trợ là khoản không nhỏ”, anh Tuấn chia sẻ.
Còn ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, theo thống kê sơ bộ, công ty có khoảng 600 người đang thuê trọ. Hiện công ty cũng đang để người lao động đăng ký và lập danh sách hỗ trợ. Tuy nhiên, theo phản ánh từ công nhân, họ gặp khó khi chủ nhà ký xác nhận bởi họ lo ngại lộ thông tin và truy thu thuế nếu có. Thêm vào đó, nhiều chủ nhà trọ không ở tại nơi đó mà uỷ quyền cho người thân trông coi. Những người này không xác nhận thuê trọ cho công nhân. Còn việc xác nhận từ phía BHXH theo quy trình thì hiện tại không gặp khó khăn do đơn vị thực hiện đầy đủ chính sách BHXH.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Chúng tôi cũng nhận được phản ánh việc triển khai chính sách này tại các địa phương còn chậm do có vướng mắc về xác nhận từ phía chủ nhà trọ. Do đó, thời gian tới, theo chức năng, công đoàn sẽ tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện để có kiến nghị gỡ khó khăn.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Điều đáng nói, Hà Nội rút gọn thủ tục nhận hỗ trợ thông qua việc uỷ quyền cho các quận, huyện, thị xã xét duyệt, chi trả hỗ trợ tiền trọ ba tháng cho lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và quay lại thị trường. Theo quyết định, thành phố ủy quyền cho UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ đối với các chính sách hỗ trợ người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp; hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động. Với việc ủy quyền, thời gian giải quyết từ khi doanh nghiệp nhận đơn đề nghị đến khi tiền hỗ trợ về tới lao động khoảng 11-13 ngày. Sau khi được UBND quận, huyện xét duyệt, phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp chi trả tiền cho doanh nghiệp trong 2 ngày.
Theo quy định của Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố là cấp cuối cùng duyệt hồ sơ và cấp kinh phí hỗ trợ về doanh nghiệp. Người lao động ở Hà Nội làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp lên công ty. Doanh nghiệp lập danh sách, công khai tại nơi làm việc trong 3 ngày rồi gửi tới cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác nhận lao động đang đóng bảo hiểm. Hồ sơ sau đó tiếp tục gửi về UBND cấp huyện thẩm định. Doanh nghiệp có thể gửi hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến tới cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi đặt trụ sở đề nghị xác nhận. Thời gian cấp huyện tiếp nhận hồ sơ chậm nhất hết ngày 15/8.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, sau khi có quyết định của thành phố, các phòng LĐTBXH phải trực tiếp đến thông tin đến doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp lập danh sách người lao động đủ điều kiện để nhận hỗ trợ.
“Việc UBND TP.Hà Nội uỷ quyền cho UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ sẽ rút ngắn thời gian phê duyệt hồ sơ. Theo quy trình phải mất đến 7 ngày nhưng nay rút gọn 4 ngày và sớm nhất sẽ triển khai hỗ trợ tiền thuê trọ trong tuần tới”, ông Khánh cho biết.