Đặc biệt, các chính sách liên quan đến chế độ, quyền lợi của người lao động cần được đảm bảo trong nhiều tình huống; Bảo hiểm xã hội cần có trách nhiệm hơn đối với người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội…
Đây là một trong những nội dung được các đại biểu là cán bộ Công đoàn các tỉnh, thành phố, khu chế xuất, khu công nghiệp và doanh nghiệp lớn ở phía Nam quan tâm thảo luận, góp ý tại Hội thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 14/4, tại TP Hồ Chí Minh.
Cụ thể tại Chương 5 về Bảo hiểm xã hội bắt buộc (từ Điều 45 – Điều 98), ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần TKG Taekwang Vina (đóng tại Khu công nghiệp Loteco, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nêu ý kiến: Để đảm an sinh xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần tạo điều kiện cho người lao động rút khi tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là khi chưa đủ 15 năm và được rút sau 3 tháng nghỉ việc thay vì 12 tháng như hiện nay. Ngược lại, người lao động tham gia trên 15 năm thì được rút theo yêu cầu của họ.
Cũng theo ông Đinh Phúc Sỹ, nhiều tổ chức Công đoàn và người lao động không biết việc trốn hay chậm đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, song tháng nào họ cũng bị trừ một phần tiền lương. Khi xảy ra chuyện thì Bảo hiểm xã hội không chốt được, người lao động phải gánh chịu hết những thiệt thòi mặt dù họ không phải là người có lỗi. Do vậy, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần “siết chặt” ngay từ đầu, tạo điều kiện cho người lao động, tổ chức Công đoàn quyền được biết, giám sát, tham gia kiểm tra, thanh tra. Đồng thời, cơ quan Bảo hiểm xã hội phải có trách nhiệm giám sát và giải quyết triệt để các chế độ, chính sách đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, từ đó tạo niềm tin, thu hút người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Cùng quan điểm, ông Trần Ngọc Vân, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đề nghị thực hiện chính sách “đa tầng” đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đó, người lao động được quyền tự quyết định hình thức rút bảo hiểm xã hội của mình theo nguyên tắc “có đóng, có hưởng”; đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Ngoài ra, các chính sách, chế độ liên quan đến bảo hiểm hưu trí (từ Điều 71 đến Điều 89) chưa đủ hấp dẫn để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là những người có mức đóng bảo hiểm xã hội thấp khi về hưu. Ông Vân cũng khuyến cáo người tham gia bảo hiểm xã hội nên nâng mức trần đóng; bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần sát với thực tế, hài hoà, thu hút người lao động tham gia….
Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và dự thảo quy định quá phức tạp, liên tục sử dụng kỹ thuật dẫn chiếu từ điều luật này đến điều luật khác, khiến người lao động khó hiểu nên cần thiết kế luật theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn, bớt dẫn chiếu hơn để người lao động có thể đọc và hiểu được. Từ thực tiễn công việc, ông Hà cũng cho rằng, nên giữ nguyên các quy định hiện hành về điều kiện hưởng lương hưu cũng như nhận bảo hiểm xã hội một lần như hiện nay.
Phản ánh thực tế nhiều người lao động ở tỉnh Long An bị “treo” quyền lợi về bảo hiểm xã hội do chủ doanh nghiệp bỏ trốn hay nợ bảo hiểm xã hội, bà Bùi Thị Ngọc Trang, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp tỉnh Long An cho rằng, chính việc xử lý không nghiêm minh, không triệt để tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội làm cho người lao động không yên tâm, quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần. Bà Trang đồng tình việc người lao động có thể khởi kiện cơ quan Bảo hiểm xã hội vì đã không làm tròn trách nhiệm của mình…
Tại hội thảo, nhiều đại biểu có chung nhận xét Luật Bảo hiểm xã hội thay đổi nhanh, liên tục làm cho người lao động thiếu an tâm; nhiều điều – khoản trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) không tiến bộ hơn trước đây. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều nội dung cần sửa đổi như: trợ cấp thai sản khi người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; các vấn đề về tăng tuổi nghỉ hưu, hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần; cần giải quyết dứt điểm vấn đề mượn hồ sơ tư pháp để đi làm; nên nghiêm cấm cầm cố, mua bán xã hội, mượn hồ sơ để tham gia bảo hiểm xã hội…
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, liên quan rộng lớn đến đông đảo người dân và người lao động. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, người lao động cả nước.
Ông Ngọ Duy Hiểu yêu cầu các cấp Công đoàn tiếp tục lấy ý kiến và tuyên truyền để người lao động hiểu đúng chính sách dự kiến; đề nghị Ban soạn thảo (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) tổng hợp, cân nhắc kỹ lưỡng, thiết kế các phương án chính sách thực sự khoa học, sát thực tế, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người lao động.