Ông Hoàng Văn Điều, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hà (huyện Quang Bình, Hà Giang) cho biết, sau khi nhận được tin báo của nhân dân về việc trên đỉnh đồi của xóm 2, thôn Chàng Mới (xã Yên Hà, Quang Bình) đã xuất hiện một vết nứt lớn kéo dài, có nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao. Sau khi cử cán bộ đến hiện trường kiểm tra cho thấy, vết nứt trên đỉnh đồi dài khoảng 30 - 40 m, rộng 15 - 20 cm và nứt làm 2 lớp. Phía dưới có khe nước, thung lũng, khu dân cư nằm ngay dưới ven chân đồi.
Nhận định nguy cơ xảy ra sạt lở cao và do tình hình mưa vẫn tiếp tục kéo dài, với phương châm “4 tại chỗ”, chính quyền xã Yên Hà đã khẩn trương vận động, di dời người, tài sản của 7 hộ dân với 28 khẩu thuộc xóm 2, thôn Chàng Mới đến nhà người thân ở tạm. Ngoài ra, xã cũng di dời 3 hộ dân trong thôn nằm ở khu vực có nguy cơ cao sạt lở ta luy dương đến nơi an toàn.
Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo huyện Quang Bình và các cơ quan chức năng đã đến kiểm tra vết nứt tại xóm 2, thôn Chàng Mới, xã Yên Hà để xem xét, đánh giá toàn diện nguy cơ, mức độ xảy ra sạt lở, triển khai các phương án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Tại huyện Bắc Quang, ngoài thiệt hại do sạt lở đất trên Quốc lộ 2 đoạn qua xã Việt Vinh khiến nhiều người thương vong. Những ngày qua, trên địa bàn xã Đồng Tâm (huyện Bắc Quang) cũng bị thiệt hại, ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ, sạt lở đất trong 2 ngày qua.
Theo đó, trên địa bàn xã Đồng Tâm có 1 người tử vong và 1 người bị thương do sạt lở đất; 20 nhà dân bị thiệt hại, ảnh hưởng, trong đó có 1 nhà bị sập hoàn toàn; 30 hộ dân phải di dời khẩn cấp đến nơi an toàn do ở trong vùng có nguy cơ sạt lở. Mưa lớn gây sạt lở và ngập úng các tuyến đường khiến các thôn: Khuổi Thuối, Bản Buốt với gần 300 hộ dân, trên 1.000 khẩu bị cô lập hoàn toàn trong 2 ngày qua.
Chỉ có 2 thôn khu trung tâm của xã có giao thông thông suốt, 4 thôn khác có nhiều điểm sạt lở gây ách tắc, khó khăn cho việc đi lại và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân.
Hiện, cấp ủy, chính quyền xã Đồng Tâm đang huy động lực lượng “4 tại chỗ”, hỗ trợ các hộ bị thiệt hại, đảm bảo nơi ở an toàn và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu cho các hộ phải di dời khẩn cấp; làm bè mảng đưa người dân đi chuyển tạm thời qua các điểm ngập úng; san gạt các điểm sạt lở trên tuyến đường trục chính...
UBND tỉnh Hà Giang đã có công văn chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, huyện đã chủ động lực lượng, phương án sẵn sàng tiếp cận vào hiện trường (các khu vực sạt lở đang cô lập). Chính quyền các xã theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tổ chức kiểm tra, rà soát, cảnh báo những khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, có nguy cơ mất an toàn; thông báo đến các thôn bản và người dân biết để chủ động phương án phòng ngừa.
Đồng thời nghiêm cấm mọi phương tiện và người dân đi qua nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tuyên truyền, vận động nhân dân không đi lại, xúc cá, vớt củi khi có mưa lũ..., phân công cán bộ xã xuống hiện trường nắm bắt tình hình, xác minh thiệt hại, phương án di dời các hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, báo cáo tình hình, phương án triển khai về Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, huyện…