Là một quận trung tâm, Ba Đình cũng đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm lớn hơn nữa từ các cấp chính quyền, đặc biệt là sự thay đổi nhận thức, trách nhiệm từ chính người dân, cần coi tính mạng của mình là trên hết khi quyết định sinh sống trong chung cư xuống cấp nguy hiểm.
Phớt lờ “lệnh” di dời khẩn cấpCác “chuồng cọp” được người dân tạo ra rất nhiều tại khu tập thể G6A Thành Công. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Sau 30 năm đưa vào sử dụng, khu tập thể G6A Thành Công trên địa bàn phường Thành Công, quận Ba Đình nhiều năm nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Bằng mắt thường có thể nhận thấy độ nghiêng khá lớn của cả tòa nhà và giữa 2 toà G6A - G6B là một khe nứt hình chữ V có chiều dài gần 2m. Còn tại một số khu vực cầu thang hay khu vực áp trần khu tập thể, xuất hiện nhiều vết nứt dọc, ngang tường, vôi vữa bị bong tróc từng mảng…
Ở góc độ khoa học, từ năm 2015, qua kết quả thẩm định, đánh giá chất lượng 42 khu chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn thành phố của cơ quan chức năng, không chỉ có đơn nguyên 1 - 2 nhà G6A Thành Công xuống cấp ở mức độ D (mức độ nguy hiểm cao nhất) mà đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh, đơn nguyên 1 - 3 tập thể Bộ Tư pháp cũng cùng chung cảnh ngộ cần phải di dời người dân để đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra.
Được xây dựng từ trước năm 1989, cả 4 khu chung cư xuống cấp này đều có từ 2 đến 3 đơn nguyên. Do không được bảo trì thường xuyên, trong khi tình trạng cơi nới “chuồng cọp” quá nhiều, khiến các chung cư bị lún nứt, các đơn nguyên tách rời nhau. Khoảng cách tách rộng nhất giữa các tòa nhà từ 1 đến 1,2m.
Nhưng hơn một năm trôi qua, kể từ khi có “lệnh” phải di dời khẩn cấp, nhiều hộ dân vẫn rất thờ ơ, chưa chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của các cấp chính quyền thành phố.
Ông Nghiêm Xuân Tuy ở phòng 308 khu tập thể G6A Thành Công, đơn nguyên 2 cho biết, sở dĩ người dân nơi đây chưa di dời là do không tin tưởng vào kết quả thẩm định của cơ quan chức năng và cho rằng nguy hiểm cấp độ D là “không có cơ sở”?
Ông Tuy cho biết, từ những năm 1989 khi về ở khu tập thể này đã thấy xuất hiện khe co giãn giữa hai đơn nguyên dẫn tới đơn nguyên 1 bị nghiêng, nhưng từ đó đến nay độ nghiêng không thay đổi là mấy. “Do vậy, các hộ dân còn làm đơn yêu cầu xác định lại cấp độ chung cư này”, ông Tuy nói.
Một nguyên do quan trọng hơn cả là nhiều hộ dân lo lắng khi chưa biết đơn vị nào là chủ đầu tư, đặc biệt chưa rõ phương án bồi thường, tái định cư cụ thể như thế nào, tiến độ ra sao nên chưa chịu di dời. Bởi qua thực tế triển khai một số chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô, nhiều chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết với người dân, khiến nhiều hộ rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi đã phải di dời cả chục năm vẫn không biết bao giờ được trở về tái định cư tại nơi ở cũ?
Ghi nhận của phóng viên trước cơn bão số 10 mới đây, hơn 200 hộ dân ở khu G6A Thành Công vẫn đang sinh sống trong khu nhà nguy hiểm cấp độ D như không có chuyện gì xảy ra.
Cũng trong tình trạng xập xệ, phải gia cố thêm bởi các hộp sắt như nhà E6 Thành Công, nhà C8 Giảng Võ nhưng tới nay việc di dời dân vẫn rất khó khăn. Điển hình là trường hợp đơn nguyên 3 - nhà C8 Giảng Võ, sau gần 4 năm có quyết định di dời, nhưng hiện mới có 13/36 hộ đồng ý di chuyển và bàn giao nhà. Đại diện các hộ dân nhà C8 Giảng Võ cho biết: “Tất cả các hộ đều trông chờ vào chủ đầu tư, chỉ cần có chính sách tái định cư minh bạch, thời gian thi công rõ ràng, chúng tôi sẵn sàng di dời”.
Áp dụng biện pháp hành chính, đảm bảo tính mạng cho người dânMột khu tập thể cũ nằm trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Mặc dù cũng xuống cấp nguy hiểm cấp độ D và vẫn còn nhiều băn khoăn, lo ngại, song 40/42 hộ dân ở hai đơn nguyên 1 - 3 khu tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị) đã chuyển đến nơi tạm cư mới tại lô E, khu đô thị mới Yên Hòa, quận Cầu Giấy và bàn giao nhà cho chính quyền quản lý.
Có được sự đồng thuận này, bà Bùi Chính Tâm, Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 1 chia sẻ, sau khi được các cấp chính quyền phường, quận và tổ chức đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động, các hộ dân nơi đây đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của khu nhà ảnh hưởng đến tính mạng con người nên đã nghiêm túc chấp hành việc di dời sớm.
Tuy vậy, bà Tâm cũng kiến nghị, thành phố cần thực hiện đúng cam kết về hỗ trợ di dời, hoàn thiện quỹ nhà tạm cư cho người dân. Vì theo chính sách, mỗi hộ dân khi di chuyển được hỗ trợ 10 triệu đồng và trong vòng 6 tháng, mỗi nhân khẩu được 13 kg gạo mỗi tháng. Song, đến nay, dù đã chuyển đi nhiều tháng nhưng vẫn chưa có hộ dân nào nhận được hỗ trợ. Thậm chí, một số căn hộ tạm cư bị thấm dột do bỏ hoang đã lâu cũng chưa được đơn vị quản lý sửa chữa kịp thời, gây bức xúc cho một số hộ dân khi chuyển đến ở.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Ban quản lý dự án quận Ba Đình, việc di dời người dân ra khỏi chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D gặp không ít khó khăn nhưng quận đang quyết tâm thực hiện. Thời gian qua, cùng với công tác tuyên truyền vận động, để bảo đảm việc bố trí căn hộ tạm cư công khai, minh bạch, đúng đối tượng, UBND quận đã xây dựng quy chế bốc thăm xác định vị trí căn hộ tạm cư.
Tuy nhiên, tới thời điểm này mới có 69/155 hộ dân tại 4 khu nhà trên có đơn xin bàn giao mặt bằng và nhận nhà tạm cư; trong đó, tại khu tập thể Bộ Tư pháp 40/42 hộ; G6A Thành Công 14/49 hộ; C8 Giảng Võ 13/36 hộ; nhà A Ngọc Khánh 2/27 hộ.
Hiện quận đang chờ thành phố sớm ủy quyền cho quận phê duyệt phương án tạm cư và thực hiện việc hỗ trợ di dời để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trường hợp hộ gia đình cố tình không di dời, quận sẽ thực hiện các biện pháp hành chính theo đúng quy định để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, nhất là trong mùa mưa bão.
Từ thực tế nêu trên cho thấy, vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là nhiệm vụ rất khó đối với Hà Nội do còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, đặc biệt là những thoả thuận liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Con số 1% (tương ứng với 14/1500 nhà chung cư cũ) được cải tạo trong hơn 10 năm qua khiến cả nhà quản lý và người dân phải suy nghĩ. Bao giờ Hà Nội tăng được tỷ lệ chung cư cũ được cải tạo, xây dựng lại đang là dấu hỏi lớn chưa có câu trả lời?