Tìm hướng kết nối tiêu thụ nông sản
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết: Với khoảng 10 triệu dân sinh sống, học tập, làm việc, Hà Nội cần nguồn lương thực, thực phẩm rất lớn. Mặc dù vậy, khả năng cung ứng của Hà Nội hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng từ 35 - 60% nhu cầu của người dân Thủ đô. Một lượng lớn thực phẩm hiện vẫn phải nhập từ các tỉnh, thành trên cả nước và nhập khẩu. Đơn cử như, so với tổng nhu cầu, Hà Nội cần bổ sung 39,4% gạo từ bên ngoài thành phố; thịt lợn cần cung cấp thêm 1,4%; thịt trâu, bò cần cung cấp từ bên ngoài thành phố là 80,4%; trong khi rau, củ, quả cần cung cấp là 42%...
Còn theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, diễn đàn được tổ chức nhằm hỗ trợ các huyện, thị xã kết nối xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn đến thời vụ thu hoạch; phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Tại diễn đàn, bên cạnh giới thiệu những sản phẩm OCOP của địa phương, đại diện các chủ thể của các địa phương cũng chia sẻ nhiều khó khăn trong quá trình phân phối sản phẩm. Đơn cử như sản phẩm nhãn chín muộn của huyện Quốc Oai năm nay được đánh giá được mùa với sản lượng đạt 4.000 tấn. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 đúng vào thời gian thu hoạch nhãn nên việc kết nối vận chuyển theo thị trường truyền thống hàng năm bị giãn đoạn và tiêu thụ chính tại thị trường tự do, chưa có hợp đồng ký kết tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù đã được Sở Công thương Hà Nội; Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Nội và các sở nghành, tổ chức đoàn thể các quận, huyện hỗ trợ tiêu thụ, song đến nay vẫn có 2.000 tấn chưa thu hoạch và đang tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, giá thấp.
Còn đại diện Phòng kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, huyện có 3 hộ chăn nuôi vịt lớn, mỗi ngày cung ứng 16.800 quả trứng và 2 hộ chăn nuôi gà đỏ mỗi ngày cung ứng 14.000 quả đạt tiêu chí VietGAP rất cần tiêu thụ.
Các chủ thể OCOP chia sẻ dù các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm theo quy chuẩn nghiêm ngặt nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc bán hàng trên các kênh thương mại điện tử còn hạn chế, chưa có sự kết nối với các hệ thống bản lẻ chuyên nghiệp. Các sản phẩm hiện chủ yếu được bán qua bán buôn cho thương lái, chợ đầu mối.
Ông Lê Tiến Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên chia sẻ: Huyện có 4 thương hiệu bảo hộ nhãn hiệu tập thể, sản phẩm đã được đánh giá phân hạng OCOP; có 26 sản phẩm đã vào hệ thống siêu thị. Tỷ lệ sản lượng đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chiếm tỷ lệ trên 12 %; Tỷ lệ còn lại tiêu thụ thị trường tự do chiếm tỷ lệ 80% (chủ yếu qua bán buôn cho các thương lái, các chợ đầu mối....
Trong khi đó, đại diện Công ty TP sữa nông trại Ba Vì (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) mong muốn được kết nối tiêu thụ sản phẩm với các sàn thương mại điện tử và các chuỗi của hàng, chuỗi siêu thị trên cả nước để góp phần hỗ trợ người chăn nuôi phát triển kinh tế bền vững…
Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản, thực phẩm an toàn
Để kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản, thưc phẩm an toàn, Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: Về nhãn quan thì tất cả các sản phẩm đều đủ điều kiện tham gia các kênh bán lẻ hiện đại. Tuy nhiên, theo bà để tham gia thị trường trên tất cả các kênh thì phải tuân thủ các điều kiện chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành sản phẩm.
“Các hệ thống bán lẻ đều có hệ thống kỹ thuật để kiểm định chất lượng sản phẩm do đó, việc tuân thủ quy trình an toàn thực phẩm phải là ưu tiên với các giấy phép về VietGAP, GlobolGAP... Có tạo được uy tín thì sản phẩm mới đứng vững trên thị trường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải duy trì thời hạn chứng nhận sản phẩm an toàn thì sản phẩm mới vào được hệ thống bán lẻ. Tiếp đó, các chủ thể OCOP phải vận hành bộ máy quản lý đồng bộ từ khâu sản xuất, giới thiệu sản phẩm, phân phối để sản phẩm tham gia vào thị trường một cách tốt nhất”, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam nhấn mạnh.
Từ góc độ của tập đoàn bán lẻ, ông Paul Le, Phó chủ tịch tập đoàn Central Retail Việt Nam, doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị Big C cho biết: “Central Retail sẽ hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP theo hai hướng: Giới thiệu, marketing sản phẩm tại thị trường Việt Nam và thế giới. Tiếp đó là sử dụng hệ thống siêu thị với thương hiệu Big C để hỗ trợ sản phẩm OCOP. Tại Thái Lan chúng tôi cũng đã có dự án về tương tự và khá thành công. Chúng tôi cũng tin tưởng OCOP Việt Nam cũng là một dự án thành công”.
Còn PGS.Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Thực tế, việc tham gia sàn thương mại điện tử hiện nay của các sản phẩm OCOP và nông sản khác còn hạn chế về mặt số lượng, nhà sản xuất tham gia cũng rất ít. Bởi vì đã tham gia sàn thương mại điện tử thì phải cung cấp rất nhiều thông tin như có mã VietGAP, mã vùng trồng, các điều kiện về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang tạo sức ép buộc các chủ thể và các nhà sản xuất nông sản tham gia quá trình chuyển đổi số.
Còn ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng: “Chúng ta đang ở một thời điểm rất đặc biệt, cũng có thể coi là thời điểm bất bình thường trong tác động của COVID -19. Chính vì thế cần có những đổi mới để ứng phó với bối cảnh bất bình thường này. Chúng tôi vừa qua cũng đã dữ liệu hóa toàn bộ 32 tỉnh thành phía Bắc về chuỗi nông sản an toàn, thống kê về sản lượng, nhu cầu thực tế và mức độ tiêu dùng của người dân của từng địa phương để chúng ta chuẩn bị cho những kịch bản khác nhau. Đơn cử, từ dữ liệu đó chúng tôi đánh giá cụ thể vấn đề tự cung tự cấp của Hà Nội một ngày, một tháng là bao nhiêu, hay từng địa phương của các tỉnh phía Bắc là bao nhiêu để đánh giá nhu cầu tiêu thụ trong nước, từ đó điều tiết sản xuất”.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản để lên được những kịch bản khác nhau cho thị trường nông sản thì buộc các ban ngành, đơn vị liên quan phải phối hợp với nhau để dữ liệu hóa, đồng bộ dữ liệu. Chuyển đổi số trong nông nghiệp là điều then chốt, trong thời gian tới nếu không tận dụng cơ hội, không quyết liệt thì sẽ rất khó trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo về mặt cung, cầu, phát triển kinh tế địa phương, kinh tế nông thôn.
Trước mắt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội cũng đang tập trung phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc xây dựng 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho thành phố Hà Nội, tổng hợp danh sách 800 cơ sở đầu mối cung cấp sản phẩm nông lâm thủy sản để Sở Công thương cung cấp cho các đơn vị siêu thị, điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn khai thác nguồn cung hàng hóa trong trường hợp cần thiết.
Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến cho biết: Diễn đàn là cầu nối để người sản xuất, người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ gặp gỡ, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hà Nội và các địa phương sẽ tiếp tục duy trì các diễn đàn. Đào tạo, tập huấn cho các chủ thể OCOP, nông sản thực phẩm bán hàng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử… Không những thúc đẩy phát triển sản xuất mà còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Diễn đàn có sự tham gia của đại diện 18 quận, huyện với 52 chủ thể có sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và 75 chủ thể có sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn. Cùng với đó là đông đảo các đơn vị phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng trên địa bàn…