Chiều 24/11, tại giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, TS. BS Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) thông tin về kết quả công tác phòng chống HIV/AIDS trong 10 tháng đầu năm 2020.
Tính đến 31/10/2020, Hà Nội đã phát hiện được 29.931 ca nhiễm HIV, chiếm 9,6% số người nhiễm HIV của cả nước. Hà Nội là địa phương có số người nhiễm lớn thứ 2, sau TP Hồ Chí Minh. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trên 100.000 dân là 294 người/100.000 dân, đứng thứ 12 so với cả nước.
Số người nhiễm HIV tử vong lũy tính là 6.222 ca, số HIV còn sống là 23.709. Các trường hợp nhiễm HIV mới phát hiện năm 2020 tại Hà Nội chủ yếu là nam giới chiếm 78,7%; trong đó, lây nhiễm qua đường tình dục tiếp tục gia tăng (từ 22,5% năm 2010 lên 72,6% vào tháng 10/2020), lây qua đường máu giảm từ 70,5% năm 2010 xuống còn 16,9% năm 2020. Đặc biệt, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Hà Nội đã được khống chế dưới 2% trong 6 năm qua.
Về chương trình điều trị HIV/AIDS cho bệnh nhân, Hà Nội bắt đầu triển khai điều trị ARV từ năm 2004 tại Bệnh viện Đống Đa, với 50 bệnh nhân được điều trị từ 1 dự án do chính phủ Pháp tài trợ. Từ năm 2004 - 2018, nguồn thuốc ARV và các dịch vụ xét nghiệm cho bệnh nhân điều trị ARV được hỗ trợ miễn phí chủ yếu từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, lao và sốt rét...
Bắt đầu từ năm 2019, thuốc ARV và các dịch vụ xét nghiệm được chuyển giao dần từ miễn phí sang thực hiện thanh toán qua nguồn BHYT.
Hà Nội đã mở rộng độ bao phủ thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV trên địa bàn. Tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV được tiếp cận với ít nhất 1 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS qua BHYT cũng tăng dần năm 2019 là 1.929 người tại 5 cơ sở, đến 31/10/2020 là 2.259 bệnh nhân tại 13 cơ sở, chiếm 22% tổng số bệnh nhân đang điều trị.
Theo bà Lan, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2021 (90% người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm của bản thân, 90% người chẩn đoán HIV được điều trị ARV, 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế); khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.