Hà Nội: Số ca sốt xuất huyết giảm nhưng nguy cơ còn cao

Theo Sở Y tế Hà Nội, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết từ ngày 19/8 đến nay đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trước diễn biến thời tiết như hiện nay và thời gian tới sinh viên các trường sẽ về Hà Nội nhập học, nguy cơ dịch sốt xuất huyết vẫn có thể diễn biến phức tạp.

Phun thuốc diệt muỗi tại các lớp học của Trường CĐ Nghề Công ngiệp Hà Nội (131 Thái Thịnh). Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương thời gian tới phải tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch để giảm số trường hợp mắc mới. Cùng với tuyên truyền, lập kế hoạch cụ thể và tổ chức hiệu quả phun hóa chất, đảm bảo nguồn lực về tài chính cho phòng chống dịch sốt xuất huyết, cần đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy... Các xã, phường, thị trấn cần rà soát lại thành phần đội xung kích, đảm bảo đúng số lượng, thành phần, gia đình phụ trách, đồng thời chấn chỉnh lại hoạt động đảm bảo nghiêm túc, hiệu quả, tránh hình thức, phong trào. Các thành viên đội xung kích vào từng gia đình hướng dẫn và trực tiếp tìm diệt bọ gậy trong dụng cụ chứa nước với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng dụng cụ chứa nước”.

Bên cạnh đó, các quận, huyện, cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo chỉ đạo của thành phố; kiên quyết xử lý, xử phạt các cá nhân, đơn vị không phối hợp hoặc không tuân thủ quy định phòng chống dịch.

Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho thấy, tuần từ ngày 26/8 đến 1/9, toàn thành phố có 2.1 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 861 trường hợp so với tuần trước. Toàn thành phố có 3.622 ổ dịch nhưng hầu hết là ổ dịch nhỏ, 83,8% ổ dịch đã được khống chế.

Với tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả, ngành y tế Hà Nội đã tập trung các nguồn lực triển khai các hoạt động chuyên môn từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Sở Y tế Hà Nội thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của các đơn vị để chấn chỉnh kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh. Hai tổ Thanh tra của Sở Y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng đã kiểm tra đánh giá hoạt động phun hóa chất và diệt bọ gậy tại các xã, phường, thị trấn. Công tác kiểm tra tại các xã, phường, thị trấn cũng được các quận, huyện triển khai quyết liệt.

Toàn thành phố đã thành lập 33.260 đội xung kích diệt bọ gậy, 4.911 tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết để thực hiện hiệu quả công tác diệt bọ gậy tại cộng đồng. Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội và Trường Cao đẳng Y tế Hà Đông đã cử 163 sinh viên, Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y tế Công cộng đã cử 110 sinh viên hỗ trợ Hà Nội trong công tác diệt bọ gậy.


Tuy nhiên, qua giám sát của ngành y tế Hà Nội, đội xung kích hoạt động chưa hiệu quả. Ở một số quận, huyện, các thành viên của đội xung kích chưa đúng với hướng dẫn của thành phố và chưa phù hợp với quy mô dân số hoặc phụ trách quá nhiều gia đình như phường Khương Mai (Thanh Xuân), Minh Khai (Bắc Từ Liêm), xã Tiền Phong (Thường Tín), Hương Ngải (Thạch Thất). Hiệu quả diệt bọ gậy của đội xung kích chưa triệt để, vẫn còn 17,9% gia đình còn bọ gậy sau khi đội xung kích làm việc. Đánh giá độc lập của đoàn chuyên gia Bộ Y tế cũng cho thấy việc phun hóa chất chưa triệt để, vẫn còn 10% nhà dân đóng cửa và không tiếp cận được; 35% gia đình không chấp nhận phun hết các tầng, 50-60% gia đình chỉ cho phun tầng 1. Nhân lực phun hóa chất còn ít và lực lượng đội xung kích một số nơi chưa thực sự có sức khỏe tốt để đáp ứng nhiệm vụ.

Mới đây, tại hội nghị giao ban trực tuyến về phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các cấp chính quyền, các sở, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn, tập trung lực lượng, thực hiện đồng bộ các giải pháp, không thể chủ quan trước tình trạng số ca sốt xuất huyết bắt đầu tăng ở các huyện ngoại thành. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để 100% người dân nhận thức đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, tự phòng tránh bệnh cho bản thân, gia đình. Lực lượng chức năng phun thuốc phòng bệnh, tập trung dập các ổ dịch, kiên quyết phun diện rộng, gõ tận nhà, kiểm tra từng dụng cụ chứa nước để diệt được bọ gậy thì mới giảm được muỗi truyền bệnh, mới giảm được số ca mắc sốt xuất huyết.

Tuyết Mai (TTXVN)
Làm gì để hồi phục nhanh sau khi mắc sốt xuất huyết?
Làm gì để hồi phục nhanh sau khi mắc sốt xuất huyết?

Bệnh nhân sốt xuất huyết thường mất ít nhất 7 - 10 ngày để hồi phục, đương nhiên trong các trường hợp xấu có thể kéo dài hơn. Bệnh rất giống một cơn cảm cúm nhưng mang đến cảm giác khó chịu và kiệt sức không thể quên với việc làm mất khả năng hoạt động chính xác của hệ miễn dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN