Hà Nội thêm 2 trường hợp ngộ độc rượu nguy kịch

Hà Nội đang triển khai quyết liệt, đồng loạt các biện pháp phòng, chống ngộ độc rượu do methanol nhưng tình trạng ngộ độc vẫn diễn biến phức tạp, gần đây nhất trong hai ngày 6 - 7/4 đã có thêm 2 trường hợp trên địa bàn 2 quận Đống Đa và Ba Đình bị ngộ độc rượu phải nhập viện.

Nhân viên y tế chăm sóc điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Methanol. Ảnh: TTXVN phát

Hiện 2 bệnh nhân đều trong tình trạng nặng, phải thở máy là: Nguyễn Văn Khánh, 41 tuổi, ở số 4, ngõ 31, Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội và Bùi Duy Phương, 50 tuổi, ở số 43 C, ngõ 575, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. Hai bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, ho nhiều, hôn mê. Đặc biệt, 2 bệnh nhân đều nghiện rượu nặng, trong đó bệnh nhân Nguyễn Văn Khánh còn nghiện ma túy, đái tháo đường tuýp II, viêm gan C.

Chiều 10/4, tại cuộc họp với quận Đống Đa, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết: Từ các vụ ngộ độc rượu methanol cho thấy loại rượu này thường được bán ở các quầy tạp hóa, quán cơm bình dân, quán ăn nhỏ.

Việc truy xuất nguồn gốc rượu methanol còn khó khăn, do đó thời gian tới cùng với việc truy xuất nguồn gốc rượu gây ngộ độc, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền, thu gom loại rượu này để hạn chế xảy ra các vụ ngộ độc; thực hiện phân cấp trách nhiệm quận, phường trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát và tuyên truyền phòng chống ngộ độc rượu.

Trước mắt, các quận chỉ đạo các phường tích cực tuyên truyền, tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao bán rượu gây ngộ độc để nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh cũng như ý thức tự bảo vệ của người dân.

Theo các chuyên gia, rượu gây ngộ độc là loại rượu pha cồn công nghiệp (methanol) có thể coi là rượu giả. Về hình thức, mùi và vị của rượu methanol khi mới uống vào giống như rượu nấu thủ công. Tuy nhiên, rượu methanol uống vào sau 3 – 6 tiếng thì bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê.


Sau 2 vụ ngộ độc thực phẩm gần đây trên địa bàn 2 quận Ba Đình và Đống Đa, Sở Y tế đã có văn bản báo cáo UBND Thành phố, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, đồng thời có văn bản đề nghị UBND quận Ba Đình, quận Đống Đa tiếp tục triển khai công điện số 371/CĐ-TTg ngày 10/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rượu; Công văn số 1136/UBND-KGVX ngày 15/3/2017 của UBND Thành phố về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; Điều tra xác minh các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, dịch vụ ăn uống, giải khát, cơ sở bán tạp hóa... liên quan đến bệnh nhân ngộ độc rượu do methanol.

Công an quận truy xuất nguồn gốc rượu gây ra ngộ độc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, quầy bán tạp hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, giải khát có bán rượu... xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm qui định về an toàn thực phẩm nói chung và về rượu nói riêng; công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng; chủ động phối hợp với ngành y tế tiến hành giám sát, điều tra, xử lý kịp thời khi có ngộ độc rượu do methanol trên địa bàn.

Tuyết Mai (TTXVN)
Pha Xanh methylen vào cồn để tránh ngộ độc rượu methanol
Pha Xanh methylen vào cồn để tránh ngộ độc rượu methanol

Để góp phần ngăn chặn tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol vượt ngưỡng cho phép, đại diện Bộ Công Thương đã đưa ra đề xuất thêm chất chỉ thị màu Xanh methylen vào cồn không đạt tiêu chuẩn sử dụng làm thực phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN