Ban giám sát "bám" công trìnhTuyến đường nội đồng của thôn Quy Đông, xã Kim Sơn (Gia Lâm) được thi công bằng bê tông xi măng từ giữa năm 2017, có chiều dài gần 1 km. Do quá trình thi công không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nên hiện nay tuyến đường đã xuất hiện nhiều vết nứt. Với vai trò của mình, Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Kim Sơn đã phát hiện và kiến nghị chủ đầu tư là huyện Gia Lâm không nghiệm thu công trình.
Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Kim Sơn (Gia Lâm) kiểm tra bản vẽ thiết kế thi công nhà văn hóa thôn Quy Đông. |
Ông Dương Văn Đông - Trưởng Ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Kim Sơn (Gia Lâm) cho biết: Những vết nứt xuất trên tuyến đường có chiều dài từ một đến vài mét. Nguyên nhân có thể do đơn vị thi công đổ bê tông vào ngày nắng nóng, mặt đường không được tưới dưỡng nước thường xuyên. Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan chức năng giám định đơn vị sản xuất bê tông nhưng tới giờ vẫn chờ kết luận nguyên nhân nào dẫn tới nứt mặt đường và chưa có giải pháp khắc phục. Vì thế Ban giám sát không chấp nhận ký nghiệm thu tuyến đường.
Từ khi công trình xây dựng hệ thống thoát nước thải được triển khai ở địa phương, Ban giám sát đầu tư cộng đồng do Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trung Mầu (Gia Lâm) thành lập với 3 thành viên đã thay nhau bám công trình, thực hiện chức trách được người dân tin tưởng giao phó. Luôn mang bên mình bản vẽ thi công cùng cái thước rút, ông Tạ Đình Hậu - Trưởng ban giám sát đầu tư cộng đồng xã Trung Mầu đã chỉ ra nhiều điểm thiếu sót của đơn vị thi công.
Ông Hậu chia sẻ về công việc của mình: Trước mỗi công trình được giám sát, chúng tôi đều yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ về dự án như bản vẽ thi công, các quyết định đầu tư, cấp phép triển khai dự án... của cấp có thẩm quyền để giám sát quá trình thi công của nhà thầu. Chúng tôi đã phát hiện ra đơn vị thi công có những lúc dùng loại cát không đảm bảo và trộn vữa bằng tay nên yêu cầu thay cát và trộn vữa bằng máy.
Nâng cao năng lực, chất lượng Ban giám sát đầu tư cộng đồng
Với tinh thần kiên quyết, bám sát sự việc đến cùng, nhiều sai phạm của nhà thầu đã bị Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở nhiều xã trên địa bàn Thủ đô đưa ra ánh sáng, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Trong năm 2017, qua giám sát 3.462 công trình, dự án, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng của các địa phương thành phố Hà Nội đã phát hiện 267 công trình, dự án vi phạm; đề nghị khắc phục và xử lý vi phạm 243 vụ, kiến nghị thu hồi 11.132m2 đất và 20 triệu đồng.
Theo đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác giám sát đầu tư cộng đồng thì năng lực của một bộ phận cán bộ đang là một trong những nguyên nhân khiến việc giám sát chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều nơi, cán bộ giám sát còn bị lúng túng trong tiếp cận và triển khai các nhiệm vụ về giám sát cũng như thể hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Phần lớn thành viên Ban giám sát đầu tư cộng đồng của các xã không có trình độ chuyên môn, chỉ bằng sự nhiệt huyết với phong trào mà tham gia; thiếu các kỹ năng cần thiết để có thể phân tích, bảo vệ được quan điểm, chính kiến của mình trước những vấn đề phức tạp đang thực hiện giám sát.
Để khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực chất lượng Ban giám sát đầu tư cộng đồng cơ sở, ông Bùi Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát cho các cá nhân tham gia.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, công chức, đảng viên, nhân dân về chức năng, nhiệm vụ của Ban giám sát đầu tư cộng đồng nhằm tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, tăng cường giám sát vào các lĩnh vực quan trọng như: quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới; công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và thực hiện hòa giải ở cơ sở; việc thu, chi các loại quỹ từ nhân dân.