Người dân khốn khổ vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, hàng nghìn ha lúa đang trong giai đoạn đón đòng, trổ bông khắc khoải chờ nguồn nước sạch.
Ông xả nước thải từ các nhà máy trong cụm công nghiệp Tân Hồng xả ra thẳng kênh tưới tiêu không qua xử lý. |
Chứng kiến tại Cụm công nghiệp Tân Hồng, mùi hôi thối bốc lên từ con kênh thủy lợi chạy dọc theo theo tuyến đường tỉnh 392. Nước tại các kênh nhánh dẫn nước vào tưới, tiêu cho đồng ruộng có màu đen kịt, thậm chí bèo thả trên mặt nước nhiều chỗ cũng úa vàng và bị chết.
Ông Phạm Văn Ấm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Phong, xã Tân Hồng, lo lắng: Hợp tác xã có trên 300 ha lúa chuẩn bị lấy nước để làm đòng nhưng nước thải từ các công ty ở trong Cụm công nghiệp hàng ngày xả ra hệ thống kênh tưới, tiêu khiến nước trong các kênh dẫn biến thành màu đen xì, hôi thối, ô nhiễm; người dân không thể lấy nước lên tưới cho lúa được.
Những người dân sống ở đây cho biết, hiện tượng này đã diễn ra hơn một tuần nay. Vào những hôm trời oi bức, mùi hôi thối từ dưới kênh rạch bốc lên nồng nặc khiến nhiều nhà không dám mở cửa sổ.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương, nước ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước xung quanh cụm công nghiệp này mà còn chảy ra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải rồi lại chảy vào một loạt các kênh nhánh như: Phủ - Cậy, Phủ - Ô Xuyên, Phủ - Hòa Loan, Phủ - Sặt… khiến hàng trăm hộ dân, hàng nghìn ha lúa và rau màu ở nhiều xã của huyện Bình Giang như: Tân Hồng, Vĩnh Hồng, Bình Minh, Cổ Bì, Hồng Khê, Nhân Quyền, Thái Học... chịu ảnh hưởng nặng nề.
Đầu năm 2017, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương tiến hành quan trắc, phân tích môi trường nước ở 17 tuyến kênh trên địa bàn do Chi cục quản lý (trong đó có các tuyến kênh ở Bình Giang) cho thấy hầu hết đã bị ô nhiễm, nhiều thông số vượt quy chuẩn (QCVN08-MT:2015/BTNMT, áp dụng mức B1) cho phép từ 1,1 đến 8,7 lần.
Nguyên nhân là do nước thải từ các cụm công nghiệp xả vào hệ thống kênh thủy lợi; nước ô nhiễm từ đầu nguồn ở Hà Nội, Hưng Yên đổ vào hệ thống và chảy về Hải Dương; một số hộ rửa túi ni lông, bao xi măng tại kênh…
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội nông dân xã Cổ Bì, huyện Bình Giang cho biết: Người dân xã Cổ Bì chủ yếu sống nhờ sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn này, lúa đang đón đòng, chuẩn bị trổ nhưng nước ô nhiễm nặng nên người dân không dám bơm lên để tưới. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này thì năng suất vụ lúa này sẽ bị ảnh hưởng rất nặng.
Bà Nguyễn Thị Hải Hòa, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang, cho biết: Cụm công nghiệp Tân Hồng có gần 20 doanh nghiệp hoạt động với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh như: Tái chế nhựa, may mặc, sản xuất máy nông nghiệp, sản xuất nhôm định hình, bao bì, chế biến gỗ…
Từ đầu năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện hiện tượng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của một số doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp tái chế nhựa như: Công ty cổ phần Tiến Long, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nhựa Lâm Phúc, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại Quốc Pháp…
Vào cuối tháng 3/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đã kiểm tra
việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp này và
yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục các vi phạm. Các lỗi vi phạm của các
doanh nghiệp này phần lớn là chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải
riêng biệt, chưa có giấy phép xả nước thải ra hệ thống thủy lợi…
Sở
Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng đã lập biên bản và xử phạt mỗi doanh
nghiệp khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên, theo bà Hòa, mặc dù đã có yêu
cầu dừng hoạt động và bị xử phạt hành chính nhưng những doanh nghiệp này
vẫn lén lút hoạt động.
Ao nước thải đen xì, bốc mùi hôi thối ngay bên ngoài tường các nhà máy tại Cụm công nghiệp Tân Hồng. |
Ông Bùi Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, cho biết: Khu vực Bắc Hưng Hải có diện tích tự nhiên 214.932ha, thuộc 4 tỉnh, thành: Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đảm bảo tưới cho hơn 110.000 ha đất canh tác lúa, màu và cây công nghiệp; tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản với diện tích 12.000 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu dân và các khu công nghiệp tập trung, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong vùng với diện tích khoảng 4.300 ha; tiêu nước, chống ngập úng diện tích phía trong đê khoảng 192.000 ha.
Theo ông Tuấn, nước ô nhiễm từ các hệ thống trung thủy nông (kênh tưới tiêu cấp 2), khi chảy vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cũng khiến hệ thống bị ô nhiễm. Việc lấy nước tưới hay tiêu thoát nước của hệ thống Bắc Hưng Hải hiện phụ thuộc vào hệ thống sông ở ngoài. Thời điểm này, mực nước sông ở bên ngoài rất thấp nên hệ thống Bắc Hưng Hải phải đợi mưa lớn và nước lên mới có thể đưa vào để trung hòa và thau rửa hệ thống nước bị ô nhiễm.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương, để khắc phục tạm thời nguồn nước ô nhiễm thì chỉ có cách là đợi triều cường sẽ tiến hành mở cống Bá Thủy, lấy nước vào pha loãng và đẩy nước ô nhiễm ra ngoài. Nhưng việc khắc phục rất mất thời gian và gây nhiều tốn kém. Hiện, người dân nơi đây chỉ biết mong chờ vào những cơn mưa lớn để tưới lúa và hy vọng mưa sẽ góp phần làm giảm sự ô nhiễm của các kênh thủy lợi này.
Theo ông Phạm Văn Nam, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang: Ý thức chấp hành các quy định bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Tân Hồng chưa tốt. Huyện chỉ có thể lập tổ công tác thường xuyên kiểm tra, giám sát; nếu phát hiện vi phạm sẽ lập biên bản, bắt quả tang và gửi về Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường để xử phạt. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện nay vẫn còn thấp, chưa mang tính răn đe.
Ông Nam kiến nghị tỉnh Hải Dương phải kiên quyết xử lý vi phạm của các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền cho thuê đất. Nếu các doanh nghiệp vẫn không chấp hành nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, cần thu hồi giấy phép đầu tư và đưa doanh nghiệp ra khỏi địa bàn.