Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong số 8 đề tài được vinh danh đợt này, hai đề tài hợp tác khoa học với Việt Nam được nhận giải thưởng "Bàn đạp cho hợp tác song phương trong nghiên cứu với các nước ASEAN". Hai nhà nghiên cứu là Trần Quang Hòa, giảng viên Đại học Sư phạm Huế, và Hoàng Thị Giang, cán bộ Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, đã được nhận giải thưởng này như một sự ghi nhận đối với các hoạt động chặt chẽ và hiệu quả của họ trong các dự án hợp tác với Pháp.
Tuy các nhà khoa học Việt Nam không thể đến dự buổi lễ nhưng các cộng sự của họ tại Pháp đã giới thiệu các công trình nghiên cứu tại buổi lễ vinh danh. Nếu như công trình của Giáo sư Marc Chardin, chuyên gia Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp đồng thời là giảng viên Đại học Sorbonne, và Trần Quang Hòa, giảng viên Đại học Sư phạm Huế, đề cập đến các nghiên cứu về toán học lý thuyết, thì đề tài của Giáo sư Stéphane Jouannic, thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp và Hoàng Thị Giang, cán bộ Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, lại quan tâm tìm kiếm gene và đặc tính gene của các giống lúa chất lượng cao, thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Paris, Giáo sư Marc Chardin bày tỏ sự vui mừng khi được nhận giải thưởng này vì giải thưởng tạo điều kiện để ông tiếp tục phát triển hợp tác với nhóm nghiên cứu trẻ chuyên ngành toán học của trường Đại học Huế, cũng như với một số trường đại học khác và Viện Toán ở Hà Nội. Là người có gần 20 năm hợp tác nghiên cứu và giáo dục với các trường đại học của Việt Nam, ông đánh giá cao các thành tựu toán học của Việt Nam và nhận thấy ngành khoa học này vẫn liên tục phát triển nhờ các nhà toán học trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê.
Đánh giá về đề tài nghiên cứu gene và đặc tính gene của cây lúa do Giáo sư Stéphane Jouannic và Hoàng Thị Giang thực hiện, ông Francis-André Wollman, Phó Chủ tịch phụ trách hợp tác quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp, cho biết Hội đồng giám khảo đã lựa chọn đề tài này trong hàng chục hồ sơ được gửi đến vì đây là nghiên cứu trong lĩnh vực sinh học thực vật, được tiến hành từ 13 năm nay giữa các đồng nghiệp ở Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp và Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam. Theo ông Francis-André Wollman, đề tài được đánh giá cao không chỉ vì hiệu quả hợp tác đáng ghi nhận giữa hai cơ quan này trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo, mà còn là vấn đề thiết thực, liên quan đến nghiên cứu nguồn gene của cây lúa ở Việt Nam, nhằm tìm kiếm các giống lúa đủ khả năng đối phó với những thách thức trong tương lai như biến đổi khí hậu, vốn sẽ ảnh hưởng đến việc gieo trồng và năng suất lúa. Bên cạnh các giá trị về mặt nghiên cứu khoa học, đề tài còn có giá trị thực tiễn vì đây sẽ là nền tảng cho việc tìm ra các giống lúa đủ khả năng chống chịu nóng nực, hạn hán và lũ lụt, đồng thời phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên lúa Việt Nam.
Viện Hàn lâm Khoa học Pháp được Vua Louis XIV thành lập năm 1666 nhằm khuyến khích và bảo vệ tinh thần nghiên cứu khoa học tại nước này. Là một trong 5 hội học thuật trực thuộc Viện Pháp (Institut de France), Viện Hàn lâm Khoa học vẫn được người Pháp ví như là "Nghị viện của những nhà thông thái", bởi đây là nơi tập hợp những nhà khoa học hàng đầu nước Pháp. Viện có vai trò phản ánh, xem xét và đề xuất các giải pháp xã hội đặt ra trong quá trình phát triển của khoa học và công nghệ, đánh giá chất lượng nghiên cứu và giáo dục khoa học, phát triển quan hệ quốc tế trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đồng thời phổ biến các thành tựu khoa học tới công chúng.
Giải thưởng quốc tế được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao tặng hằng năm nhằm vinh danh các công trình hợp tác khoa học giữa Pháp và các nước, cũng như các tổ chức quốc tế. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học thì không ít, nhưng hợp tác được ghi nhận, và đạt giải thưởng quốc tế, do Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao tặng, thì không nhiều. Tuy hai nhà khoa học Việt Nam không có mặt tại lễ vinh danh, nhưng giải thưởng của họ sẽ là nguồn cổ vũ lớn lao cho các đồng nghiệp trong nước, cũng như các mô hình hợp tác khoa học Việt - Pháp nói riêng và hợp tác quốc tế nói chung.