Theo tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, tính đến 17 giờ ngày 23/6, trên 470 tàu du lịch đã đi tránh trú bão và neo đậu an toàn. Trong đó tàu nghỉ đêm trên vịnh tối 22/6 cùng 1.176 khách du lịch đã về nơi tránh trú bão an toàn. 311 tàu đánh cá xa bờ đang neo đậu tại các bến trên địa bàn tỉnh còn 1 tàu hiện chưa liên lạc được, tàu này đăng ký tại thị xã Quảng Yên.
Các tàu được neo đậu sát nhau để chống bão tại khu vực cột 5, thành phố Hạ Long. Ảnh: Nguyễn Hoàng-TTXVN |
Các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục kiểm tra đôn đốc. Hơn 8.000 tàu, thuyền công suất nhỏ (dưới 90 Cv) đang trú và neo đậu tại tại các bến cá, các vũng, vịnh, các đảo và các khu neo đậu tránh trú bão của địa phương.
Ngoài ra, hơn 600 khách du lịch mắc kẹt trên các đảo Cô Tô, Quan Lạn do bão đã được cơ quan chức năng bố trí chỗ ăn, ở đầy đủ (không tăng giá dịch vụ), đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách.
Chủ động đối phó với bão số 1, chiều 23/6 tại Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) - địa phương được dự báo bão số 1 sẽ đổ bộ trực tiếp, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các địa phương và Thành phố Móng Cái triển khai các phương án phòng chống bão.
Ông Đặng Huy Hậu yêu cầu: do bão đổ bộ vào nửa đêm, lúc triều cường vì vậy các địa phương đặc biệt các huyện Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà phải hết sức chú ý không được chủ quan, theo sát diễn biến bão.
Trước 22 giờ đêm 23/6 mọi tàu thuyền, đò, lồng bè phải được chằng chống, đưa vào nơi tránh chú bão. Riêng Thành phố Móng Cái tiếp tục ra soát các vị trí xung yếu, phải có phương án di dân khi xảy ra lũ; canh gác tại các đường ngầm; rà lại các đê xung yếu, ngay chiều nay phải cho gia cố. Lực lượng quân đội, công an, thanh niên cần nắm rõ số lượng, phương tiện, phương án sẵn sàng.
Hiện, các địa phương ven biển như Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn đã thông báo rộng rãi và yêu cầu tàu thuyền còn đang ở trên vùng biển phía Đông vịnh Bắc Bộ khẩn trương di chuyển theo hướng Tây Nam hướng về đất liền hoặc về những nơi trú tránh an toàn gần nhất. Các thuyền viên trên tàu nhất thiết phải mặc áo phao và chuẩn bị sẵn các loại phao cứu hộ có sẵn trên tàu để sử dụng khi cần thiết.
Trước diễn biến của cơn bão số 1, sáng 23/6, UBND tỉnh đã có Công điện yêu cầu các ngành, địa phương chủ động các biện pháp đối phó với bão.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các ngành và đơn vị trên địa bàn tỉnh nghiêm cấm các loại tàu thuyền ra khơi, sơ tán dân trên các lồng bè ở khu vực Miền Đông (từ Cẩm Phả đến Móng Cái), hoàn tất trước 17 giờ chiều 23/6.
Các tàu đang hoạt động ngoài khơi khẩn trương về các nơi trú tránh an toàn. Đồng thời, các ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh rà soát kiểm tra và triển khai ngay các phương án đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất đá và ngập lụt các khu dân cư, khu mỏ; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động đối phó và xử lý kịp thời các tình huống, báo cáo kết quả triển khai về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Chủ động ứng phó cơn bão số 1, từ 17 giờ ngày 23/6, Hải Phòng tạm dừng hoạt động vận tải hành khách trên các tuyến vận tải đường thủy nội địa, các tuyến phà sông, biển.
Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ chiều tối 23/6, khu vực Hải Phòng có gió giật cấp 7-8, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Văn Thành đã ký ban hành Công điện khẩn về việc phòng chống bão.
Trong đó, thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, quận và thủ trưởng các ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương, bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn; tổ chức neo đậu tàu, thuyền trong các khu trú tránh; di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn; kiểm đếm, quản, lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thuỷ sản, tàu du lịch, tàu vận tải đang neo đậu.
Các địa phương, đơn vị chủ động thực hiện phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực ven sông, ven biển, các khu nhà cũ bị xuống cấp xung yếu, khu du lịch biển; khẩn trương thu hoạch lúa và rau màu đã đến kỳ thu hoạch.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản; tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập công trình đang thi công (đặc biệt là công trình cầu Đình Vũ - Cát Hải, Cảng Lạch Huyện), cầu tàu, bến cảng, kho tàng, tàu vận tải, tàu du lịch, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, hệ thống thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, các khu nuôi trồng thuỷ sản, trang trại chăn nuôi.
Các đơn vị khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc và báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố theo đúng quy định.