Trong tháng 3/2017, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và truyền thông tiến hành rà soát toàn bộ các doanh nghiệp truyền hình cáp địa phương đang hoạt động theo giấy phép cũ đã cấp từ nhiều năm trước đây.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng tiến hành trao đổi giải thích, hướng dẫn cho các doanh nghiệp và hoàn thiện nộp hồ sơ xin cấp phép cho các doanh nghiệp truyền hình cáp địa phương. 15/3/2017 là hạn cuối tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải được cấp giấy phép thiết lập hạ tầng mạng theo Luật Viễn thông, đồng thời phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP ban hành ngày 18/1/2016 thì mới đủ điều kiện để kinh doanh.
Nghị định ghi rõ, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các doanh nghiệp đang có hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, có hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng nhưng chưa có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông nếu tiếp tục hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép thiết lập mạng viễn thông và cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.
Truyền hình trả tiền ở Việt Nam được cung cấp từ năm 1993. Đến năm 2001, truyền hình trả tiền phát triển mạnh mẽ với sự phổ biến của công nghệ cáp hữu tuyến. Quyết định 20/2011QĐ-TTg ngày 24/3/2011 được ban hành cho phép doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều được tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
Sau khi quyết định 20/2011QĐ-TTg được áp dụng, tại Việt Nam vẫn còn lại khoảng 20 doanh nghiệp truyền hình cáp cung cấp dịch vụ tại các địa phương là chưa có giấy phép. Đa số là doanh nghiệp tư nhân hoặc liên kết cung cấp dịch vụ truyền hình từ trước. Số doanh nghiệp truyền hình cáp địa phương này cung cấp dịch vụ cho khoảng 1 triệu thuê bao.
Đến thời điểm này, để tiếp tục hoạt động theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP, các doanh nghiệp truyền hình cáp địa phương phải xin cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền để tiếp tục hoạt động kinh doanh.
Việc tiến hành cấp phép chính thức cho các doanh nghiệp truyền hình cáp địa phương nhằm đảm bảo việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp này, đồng thời tiến hành triển khai thu phí theo quy định của nhà nước.
Cụ thể, theo Thông tư 307/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 15/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí, mức thu phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là 0,3% trên doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử là tổ chức thu phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên truyền hình trả tiền. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Như vậy năm 2017 là năm đầu tiên các doanh nghiệp truyền hình trả tiền phải đóng khoản phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến cuối năm 2016, tại Việt Nam có tổng số 32 doanh nghiệp truyền hình đang hoạt động, trong đó 2 doanh nghiệp truyền hình quảng bá, 30 doanh nghiệp truyền hình trả tiền.
Tính đến hết năm 2016, có khoảng 12,5 triệu thuê bao đang sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền. Doanh thu truyền hình trả tiền năm 2016 đạt 12.000 tỷ đồng. Trong tổng số 12.000 tỷ đồng doanh thu của truyền hình trả tiền năm 2016, trong đó Truyền hình cáp SCTV đạt doanh thu hơn 3.420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 290 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 400 tỷ đồng.