Năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cùng Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) đã thực hiện chiến dịch lớn sau khi phát hiện khoảng 4.000 cá thể gấu bị nuôi nhốt. Khởi đầu với việc ban hành Quyết định 02/2005/QĐ-BNN yêu cầu tất cả các cá thể gấu nuôi nhốt phải được gắn chíp điện tử để phục vụ mục tiêu nhận dạng, theo dõi. Đến năm 2006, việc đăng ký và gắn chíp cho các cá thể gấu đã được hoàn tất.
Bên cạnh WAP, chiến dịch chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật còn nhận được sự tham gia tích cực từ các tổ chức khác như Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Tổ chức Động vật Châu Á (AAF), Four Paws và Free The Bears. Đồng hành trong công tác cứu hộ gấu, các tổ chức này hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật xử lý vi phạm về gấu, giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ mật gấu và kêu gọi các chủ gấu tự nguyện chuyển giao gấu đến các trung tâm cứu hộ.
Theo báo cáo, sau gần 20 năm nỗ lực, số lượng gấu nuôi nhốt đã giảm đến 95%. Từ 4.000 cá thể vào năm 2005 xuống còn 192 cá thể tính đến hết tháng 8/2024. Hiện có 46/63 tỉnh, thành phố không còn gấu bị nuôi nhốt lấy mật.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết, nhờ những nỗ lực bền bỉ của các cơ quan, đơn vị trong suốt 19 năm qua, điển hình như tỉnh Lâm Đồng, nơi có nhiều hộ nuôi nhốt gấu, đã thành công trong việc thuyết phục các chủ gấu chuyển giao. Hà Nội cũng là địa phương có số lượng gấu nuôi nhốt lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 49% tổng số gấu, nhưng đến nay, Hà Nội chỉ còn khoảng 94 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt, tập trung tại huyện Phúc Thọ.
Để thực hiện triệt để mục tiêu chấm dứt nuôi nhốt gấu, cơ quan chức năng các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến gấu. “EVN tin rằng, với quyết tâm cao, tất cả các tỉnh, thành phố đều thành công trong việc chấm dứt tình trạng này”, bà Hà khẳng định.
Sự kiện không chỉ là cột mốc đáng nhớ trong hành trình bảo vệ gấu, mà còn là lời kêu gọi mạnh mẽ đến các cơ quan chức năng và cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.