Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ông Jong Habae cho biết, các hoạt động của hợp phần an ninh lương thực do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện đã kết thúc và đạt nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các mục tiêu phát triển và thực hiện các mô hình sản xuất nông hộ đều phù hợp với địa phương góp phần bảo đảm an ninh lương thực và đối phó với sự suy dinh dưỡng, đặc biệt là sự thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Đồng thời, chương trình còn giúp nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, nông dân và cộng đồng về an ninh lương thực nói chung và an ninh lương thực cho nông hộ nói riêng thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật và các hoạt động nâng cao nhận thức thay đổi hành vi về lồng ghép dinh dưỡng an ninh lương thực.
Cũng tại hội nghị, bên cạnh việc chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện hợp phần an ninh lương thực, nhiều đại biểu còn quan tâm công tác khảo sát, đánh giá, xây dựng kế hoạch thực hiện các mô hình và giám sát quá trình triển khai dự án tại hai tỉnh Ninh Thuận và Lào Cai. Cùng đó là công tác triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2000 và tầm nhìn đến 2030.
Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, ông Nguyễn Như Cường cho biết, mục tiêu của dự án rất sát thực với nhu cầu của bà con nông dân nên được sự đồng thuận và quan tâm của chính quyền và người dân địa phương. Mặt khác, các hoạt động của dự án đã được triển khai đúng nội dung, khối lượng, đúng đối tượng hưởng lợi và đạt được kết quả tốt.
Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cũng nêu kinh nghiệm về việc phối hợp triển khai dự án đạt hiệu quả tại địa phương. Qua đó, đề nghị các tổ chức quốc tế, các cơ quan Trung ương tiếp tục quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ chuyên môn và kinh phí để tiếp tục nhân rộng mô hình; xây dựng mô hình mới, mô hình công nghệ cao.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận và đại diện Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên Hải Nam Trung bộ, sản phẩm của dự án đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho nông hộ và nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, nông dân và cộng đồng về thay đổi hành vi lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực.
Cùng đó, đề nghị Văn phòng FAO tiếp tục hỗ trợ cho một số hoạt động của dự án trong thời gian đến để người dân có điều kiện từng bước nâng cao năng lực về sinh kế và thay đổi hành vi về lồng ghép dinh dưỡng và an ninh lương thực...