Đơn giản hóa thủ tục
Ngày 6/7, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết /NQ-CP.
Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động là 1 trong 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết /NQ-CP. Gói chính sách này có tổng kinh phí là 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Điểm đáng chú của việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo lại nghề là việc đơn giản hóa thủ tục. Điều kiện để nhận hỗ trợ đào tạo nghề là: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (LĐ) thuộc đối tượng tham gia BHTN từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.
Giới thiệu về chính sách này, ông Đỗ Năng Khánh (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Thực chất chính sách này có từ năm 2015 nhưng khó triển khai trên thực tế vì những thủ tục hành chính phực tạp. Do đó, chính sách hỗ trợ lần này đơn giản hóa tới mức tối đa. Hồ sơ xét duyệt đào tạo lại nghề gồm có: Văn bản đề nghị kèm theo doanh thu chứng minh giảm so với cùng kỳ 10%; Mẫu khai thay đổi cơ cấu tổ chức, áp dụng công nghệ; Phương án đào tạo, bỗi dưỡng nâng cao trình độ và xác nhận của BHXH tỉnh.
Theo ông Đỗ Năng Khánh, điểm quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề (KNN) để duy trì việc làm cho người lao động (LĐ).
“Do đó, lần này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động tìm kiếm liên kết với doanh nghiệp bị ảnh hưởng để lên phương án đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng. Với phương án này, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ là người duyệt, không như trước đây phải trình lên Chủ tịch tỉnh, thành phố. Do đó, nhiệm vụ của lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ rất nặng nề. Với 1,5 triệu đồng/người/tháng, học 6 tháng là 9 triệu đồng, đây là khoản kinh phí không nhỏ dành cho đào tạo lại nghề. Đồng thời nguồn cũng được xác định từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do BHXH trực tiếp chi trả”, ông Khánh cho biết.
“Tại Nghị quyết của Chính phủ giao Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định triển khai các nội dung quy định về chính sách hỗ trợ theo trình tự, thủ tục rút gọn. Hiện nay, Bộ LĐTBXH đã dự thảo và đang xin ý kiến của các bên liên quan để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định”, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông tin.
“Khi Quyết định của Thủ tướng ban hành thì công tác triển khai chính sách hỗ trợ theo tinh thần đề ra là tinh giản tối đa các điều kiện, thủ để các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng chính sách. Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách”, ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Cơ hội để tạo sự đột phá đào tạo lại kỹ năng nghề
Tại hội nghị, các trường nghề đặt nhiều vấn đề từ thực tế từ địa phương. Đại diện trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh kiến nghị: Do đang dịch bệnh nên khi kết hợp đào tạo lại giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cho phép đào tạo tại dây chuyền của doanh nghiệp để vừa phòng dịch, vừa chủ động sản xuất.
Còn đại diện trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội thì băn khoăn: Việc đào tạo có hạn chế lĩnh vực ngành nghề và loại hình doanh nghiệp triển khai?
Trong khi đó, lãnh đạo Sở LĐTBXH Quảng Ninh cho biết: Trong đợt dịch COVID-19 trong năm rưỡi qua, ảnh hưởng nặng nề nhất là lĩnh vực du lịch. Nhiều tàu du lịch phải nằm bờ. Do đó, lao động lĩnh vực này muốn học lái xe, tin học, ngoại ngữ có được nằm trong gói hỗ trợ này không?
Trả lời các câu hỏi của các trường, ông Trương Anh Dũng khẳng định: Việc đào tạo lại nghề theo Nghị quyết không hạn chế lĩnh vực nghề nghiệp, loại hình doanh nghiệp. Miễn là việc đào tạo liên quan đến cơ cấu lại tổ chức hoặc ứng dụng công nghệ mới.
Lưu ý về mức hỗ trợ, ông Dũng cho biết: Kinh phí đào tạo là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Trường hợp khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 1 tháng để xác định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ nêu trên thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả. Để chủ động nên kế hoạch triển khai các chính sách hỗ trợ, tại hội nghị, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các Sở LĐTBXH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động liên kết đào tạo với các doanh nghiệp trong việc đào tạo lại nghề trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp do dịch COVID-19.
“Đây là cơ hội để các cơ giáo dục nghề nghiệp khẳng định thương hiệu, uy tín trong việc đào tạo kỹ năng nghề để lao động thích ứng với việc thị trường lao động đang có sự thay đổi lớn vì dịch COVID-19. Nếu thành công trong đợt này, đào tạo lại nghề sẽ là hướng đi mới cho các trường nghề trong việc kết hợp đào tạo với doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi ngành nghề không chỉ bởi dịch bệnh mà trong chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ”, ông Trương Anh Dũng cho biết.
Tại Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động như sau: Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7//2021 đến hết ngày 30/6/2022.