Chính sách phát triển nhà ở cho người nghèo luôn được Nhà nước quan tâm và không phân biệt vùng miền, đô thị hay nông thôn. Điều này thể hiện rất rõ ngay trong Chiến lược Nhà ở Quốc gia giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2011. Chiến lược khẳng định phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và cả người dân.
Hiện cả nước có khoảng 510.000 hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở. Ảnh: minh họa |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Thực tế nhiều năm qua, mặc dù nguồn ngân sách còn hạn chế nhưng nhà nước luôn dành nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ cho các chương trình nhà ở nông thôn. Thành công nhất phải kể đến Chương trình 167 đã hỗ trợ cho trên 500 nghìn hộ nghèo khu vực nông thôn. Chương trình này đã kết thúc và chuẩn bị thực hiện tiếp giai đoạn 2 với con số hỗ trợ trên 500 nghìn hộ nữa. Cùng đó là loại hình nhà ở cho người có công, nhà ở cho người dân vùng ngập lũ. Nhà ở vùng ngập lũ đồng bào sông Cửu Long đã giúp cho 200 ngàn hộ chống chọi được khi lũ về, an toàn cả về tính mạng và tài sản.
Nhà ở cho người dân vùng biển cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi Việt Nam có một bờ biển dài trải dọc theo 28 tỉnh từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Tuy nhiên, trong số này có 14 tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Thuận luôn phải gánh chịu thiên tai, khi bão về bị thiệt hại nặng nề cả về tài sản và tính mạng con người. Do đó, Chính phủ đã thí điểm chương trình xây dựng 700 căn hộ chống bão lũ thành công và tiếp tục ký Quyết định số 48 hỗ trợ đại trà thêm 40 ngàn hộ được xây nhà tránh bão lũ. Bộ Xây dựng đang phối hợp với chính quyền các tỉnh miền Trung thực hiện khẩn trương, quyết liệt và phấn đấu đến năm 2016 hoàn thành mục tiêu này. “Nếu vậy, các hộ thuộc diện được hỗ trợ sẽ có ngôi nhà đảm bảo chống lũ an toàn, từng bước giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, vươn lên làm giàu”, người đứng đầu ngành Xây dựng khẳng định.
Bàn về vấn đề hỗ trợ nhà ở cho người dân khắp mọi miền, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng trăn trở: "Công nhân là người tạo ra sản phẩm chính, đóng góp cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhưng chính họ lại chịu nhiều khó khăn; trong đó đặc biệt là khó khăn về nhà ở". Bởi vậy với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ, phụ trách về lĩnh vực phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng đã cùng với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng và đề nghị Chính phủ ban hành nhiều chính sách thiết thực liên quan đến phát triển nhà ở, đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, Chiến lược nhà ở quốc gia là điểm sáng, lần đầu tiên ra đời và khẳng định được quan điểm mới về phát triển nhà ở. Theo đó, không thể chỉ duy trì một loại hình nhà ở thương mại theo cơ chế thị trường mà phải phát triển song hành cả nhà ở xã hội. Như vậy, nhu cầu của thị trường nhà ở hàng hoá vẫn tồn tại nhưng vẫn có quỹ nhà đáp ứng cho những người dân không có khả năng thanh toán theo thị trường. Cùng với Chiến lược nhà ở quốc gia còn có Nghị định 188 để phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Nhà ở được Chính phủ trình Quốc hội để thông qua vào Kỳ họp thứ 8 này cũng có nhiều nội dung đổi mới, dành một chương riêng về phát triển nhà ở xã hội.
Thay vì xoá bỏ bao cấp về nhà ở như trong Luật Nhà ở 2003 thì nay phải công nhận vừa phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường đồng thời phát triển cả nhà ở xã hội. Trong đó, nhà nước có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ để giúp những người không có đủ điều kiện mua nhà theo cơ chế thị trường vẫn phải có chỗ ở. Luật Nhà ở mới với 1 chương về nhà ở xã hội; trong đó quy định rõ các chính sách hỗ trợ đối với những người khó khăn về nhà ở và quy định cụ thể các đối tượng trong diện được hỗ trợ như: hộ nghèo nông thôn, người có công, sỹ quan, quan nhân, công chức viên chức trong hệ thống chính trị, người lao động đô thị, công nhân KCN, sinh viên, hộ tái định cư... Điều này hoàn toàn phù hợp Hiến pháp 2013 về quyền có chỗ ở của người dân, phù hợp với các quan điểm của Đảng về giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, thực hiện công bằng xã hội - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh. Đối tượng và chính sách đã rõ ràng, nếu các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương cùng quyết liệt thực hiện thì nhu cầu lớn về nhà ở sẽ sớm được giải quyết.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhận định: Có khoảng 80% những người có nhu cầu về nhà ở cần loại nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước. Đại bộ phận người dân hiện có mức thu nhập trung bình thấp và người lao động hiện nay nếu không có sự hỗ trợ của gia đình, người thân và nhà nước thì khó có thể mua được nhà tại đô thị theo giá thị trường. Vì vậy, người dân rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng không phải là sự hỗ trợ bằng tiền mà thông qua chính sách. Nhà nước chủ động đề ra chính sách, đó là những hỗ trợ về tiền sử dụng đất, lãi suất tín dụng, giảm thuế... Như vậy, giá nhà ở giảm, nhu cầu nhà ở tăng. Khi ấy, nhiều người mua được nhà thì sẽ có nhiều người làm nhà ở xã hội.
“Cùng lúc giải quyết được nhu cầu nhà ở của người dân, đồng thời giải quyết được khó khăn của nền kinh tế. Những ngành nghề liên quan đến xây dựng và nhà ở sẽ phát triển. Do đó, kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại, nhu cầu xã hội từng bước được giải quyết, đem lại lợi ích cho toàn xã hội”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Thu Hằng