Hơn 12.400 doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nợ bảo hiểm xã hội

Đến tháng 6/2018, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 12.440 doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội với số tiền nợ hơn 2.700 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,2% so với kế hoạch thu năm 2018.

Thông tin được ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác thực hiện chế độ, chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra ngày 19/6.

Theo ông Phan Văn Mến, trong số hơn 12.440 doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế có 2.440 doanh nghiệp nợ trên 6 tháng với 523 tỷ đồng. Ngoài ra, có khoảng 10.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ 2 đến 6 tháng. Đáng chú ý, trong tổng số 2.700 tỷ đồng mà các doanh nghiệp nợ đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp có 7 tỷ đồng là khoản nợ không thể đòi. Đây là số nợ từ 1.570 doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích…


Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã thực hiện kiểm tra và phối hợp thanh kiểm tra liên ngành tại 737 đơn vị. Qua công tác thanh, kiểm tra, tình trạng các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực thu, chi chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp còn khá phổ biến. “Tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp không những ảnh hưởng đến tổng thu của Quỹ Bảo hiểm xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động”- ông Phan Văn Mến cho hay.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất hồ sơ chuyển cơ quan công an để đề nghị điều tra, xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với Công ty TNHH Nam Phương do trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế cho người lao động. Công ty TNHH Nam Phương chuyên ngành may mặc, 100% vốn Hàn Quốc, đóng tại Khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi đã nợ Bảo hiểm xã hội trong thời gian 4 năm với số tiền nợ 27,8 tỷ đồng.

Cũng theo ông Phan Văn Mến, mục tiêu đến cuối năm 2018, Bảo hiểm xã hội Thành phố phấn đấu đến cuối năm 2018 giảm tỷ lệ nợ xuống dưới 3,7% so với tổng thu; đồng thời, nỗ lực nâng tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc lên 2.460.000 người.
Đinh Hằng (TTXVN)
Doanh nghiệp FDI vắng chủ - Bài 2: Nợ thuế, nợ bảo hiểm không có khả năng thu hồi
Doanh nghiệp FDI vắng chủ - Bài 2: Nợ thuế, nợ bảo hiểm không có khả năng thu hồi

Việc chủ doanh nghiệp FDI “âm thầm” bỏ đi đã để lại nhiều hệ lụy. Nhà nước thất thu vì doanh nghiệp còn nợ thuế; người lao động bị nợ bảo hiểm, nợ lương. Tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn khỏi Việt Nam khi chưa thực hiện hết các nghĩa vụ vẫn đang tiếp diễn, song do pháp luật còn "lỗ hổng", chế tài chưa đủ mạnh, nên ngành chức năng khó ngăn chặn kịp thời.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN