Gần đây có nhiều vụ các em gái, phụ nữ lên tiếng tố cáo bị quấy rối, xâm hại tình dục. Đặc điểm chung của các vụ này là nạn nhân bị quấy rối, xâm hại tình dục trong một thời gian dài, trải qua các vấn đề về tâm lý, sau rất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, mới dám lên tiếng. Câu hỏi đặt ra là: “Sao giờ họ mới lên tiếng?”, “Sao họ lên tiếng muộn?”, “Những vụ sau hàng chục năm nạn nhân mới lên tiếng liệu có còn hiệu lực pháp lý?”. Do đó, thông điệp buổi tọa đàm “Tất cả hướng đến mục tiêu xã hội không còn ai là nạn nhân của bạo lực, vì vậy sự lên tiếng của bạn sẽ góp phần mang đến những điều tốt đẹp hơn”.
Theo Tiến sỹ Hoàng Tú Anh, Chủ tịch GBVNet, trên 60% phụ nữ Việt Nam bị bạo lực gia đình, nhưng chỉ có hơn 50% nạn nhân chia sẻ với người khác và chỉ 10% tìm đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Bên cạnh việc sợ bị chỉ trích, đổ lỗi, nạn nhân cũng e ngại việc tố cáo, tham gia vào quá trình tố tụng. Vì vậy, hãy dạy trẻ em gái, phụ nữ phải làm vợ, làm mẹ như thế nào, phải biết tự bảo vệ bản thân, nhưng lại không dạy cho trẻ em nam hay nam giới phải tôn trọng phụ nữ, cách để thể hiện tình yêu thương với phụ nữ. Đã đến lúc thay đổi, hãy dạy thế hệ trẻ em biết dù là giới tính nào cũng cần xử sự văn minh.
Nói về vấn đề “lên tiếng muộn” thì vấn đề pháp lý sẽ như thế nào, Luật sư Nguyễn Hữu Long chia sẻ: Xét về góc độ pháp lý, pháp luật Việt Nam có đầy đủ cơ sở để xử phạt mọi hành vi quấy rối, xâm hại tình dục. Việc lên tiếng, tố giác cũng như thu thập bằng chứng cần được thực hiện sớm ngay khi hành vi xảy ra, các hành vi có thể cấu thành tội phạm hình sự hoặc xử lý trách nhiệm hành chính. Nếu đã có cấu thành tội phạm thì sẽ ngăn chặn, xử phạt và có thể tránh được các vụ quấy rối xâm hại tình dục tiếp sau. Lên tiếng không bao giờ là muộn nhưng sớm sẽ tốt hơn.
Không chỉ là vấn đề pháp lý, hành trình đi tìm công lý và tìm lại chính mình cũng rất quan trọng với nạn nhân và cũng có thể giáo dục, cảnh tỉnh cộng đồng. Vì thế, việc lên tiếng sẽ không chỉ giúp nạn nhân, còn giúp cho rất nhiều người, cũng như thúc đẩy quá trình phát triển xã hội.
Là đại điện cho các tổ chức nghiên cứu và can thiệp hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực giới, Tiến sỹ Hoàng Tú Anh khẳng định: Trong mọi trường hợp, việc lên tiếng không bao giờ là muộn, GBVNet đã và sẽ luôn nỗ lực để mang lại sự hỗ trợ nạn nhân về nhiều khía cạnh: bảo vệ khẩn cấp, nhà tạm lánh, hỗ trợ tâm lý, sức khoẻ thể chất, tinh thần cho nạn nhân và người thân, hỗ trợ pháp lý, truyền thông xã hội để tố giác hành vi sai trái, tham gia vào tiến trình xây dựng và thực thi các chính sách về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới...
Thời gian tới, GBVNet sẽ tiếp tục chuỗi các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống tiến tới chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt với trẻ em, phụ nữ.