Internet mang lại nhiều tiện ích cho con người trong việc tìm kiếm, lưu trữ thông tin. Song bên cạnh đó không phải không có những tiêu cực, độc hại khi con người sử dụng không đúng mục đích.
Từ trốn học đi “chát” cho vui...
Phòng net Kim Ngân ở phường 11 TP Vũng Tàu lúc nào cũng đông người đến chát. Không ít lần tôi đến tìm kiếm thông tin cho việc học tập, bị chủ tiệm “từ chối” không còn máy, hoặc phải chờ khá lâu vì “khách” đang say sưa chát. Với cái tên ảo như “Lang thang tìm em”, “ba by kiêu kỳ”, “Hoàng tử cô đơn”… người ta có thể dễ dàng tìm kiếm cho mình một đối tượng thích hợp, để ngồi “thiền” từ sáng đến chiều.
Nhiều học sinh trốn học đến chát tại tiệm nét Kim Ngân. |
Không phải hiếu kỳ, mà tôi vô cùng ngạc nhiên khi một cậu học sinh cấp một mới 10 tuổi, tay lướt trên bàn phím “bạn ở đâu, tên bạn là gì, mình chát nhé, bạn đã có người yêu chưa, mình có thể làm quen với bạn được không?…”.
- Cháu có đến đây thường xuyên không, cháu trốn học để đi chơi đúng không? Bất chợt tôi hỏi cậu bé.
- “Ngày nào cháu cũng đến một lần để lên mạng chát cho vui”. Cậu bé không dám trả lời tôi là bỏ học, chỉ cười gượng và mắt thì gián vào màn hình. Lại một cô bé khác có vẻ “lam lũ”. Chân lấm lem, vai còn đeo cặp sách ngồi nơi góc phòng từ 9 giờ sáng. Cứ nhìn đôi tay thành thạo trên bàn phím của em thì biết cô bé “nghiền chát” đến độ nào.
- Cháu chát với ai thế?
- Với bạn trai. Cháu mấy tuổi rồi? - “12 chú ạ”.
- Cháu đến đây thường xuyên không?
- Tuần cũng 4-5 buổi.
Hoặc cậu bé tên Hùng, nhà cậu ở sát nhà thờ Giáo xứ Phước Thành. Mới 12 tuổi đầu mà đã có “bạn gái”. Với cái nicname “Boy 02_ ngoisaobangtrenbinhnguyen (ngôi sao băng trên bình nguyên), cậu có thể ngồi từ sáng đến trưa. Tôi hỏi: Cháu gọi “bạn gái” của cháu thế nào?. “Cháu gọi là em và nói anh yêu em!”.
Góc bên kia phòng, có 4 cậu học sinh chúi đầu che khuất màn hình cười khúc khích, thỉnh thoảng lại đấm vào lưng nhau thùm thụp, chẳng có gì lạ là họ đang chát chung với một cô bạn gái gửi webcam từ máy đầu dây bên kia tới.
đến… nghiền “chát” quên cơm bữa
Giờ cao điểm ở quán net này thường là từ trưa đến 3 giờ chiều và từ 7 - 9 giờ tối. 20 máy trong căn phòng nhỏ chật như nêm. Máy lạnh chạy hết công suất nhưng không át nổi mùi thuốc lá và hơi người ngột ngạt. Những gương mặt non choẹt có thể “điểm mặt gọi tên” 5 - 6 cậu học trò thường xuyên trốn học để chát. Có cậu ngày nào cũng gặp. Một học sinh tên Bảo Lâm 14 tuổi ngày nào cũng có mặt từ lúc bắt đầu tiệm net mở cửa, một mình một máy luôn “túc trực” ở góc phòng. Tai đeo phôn, miệng phì phèo thuốc lá, tay lướt trên bàn phím, thỉnh thoảng, cậu lại tủm tỉm cười. Tôi vỗ vai làm quen: Chắc cháu đến đây chát thường xuyên nên sành điệu lắm? - “Ngày cháu chát một lần hai tiếng với bạn gái và bạn trai”. Cháu trốn học à? - “Không cháu học buổi chiều. Thoạt đầu theo bạn đến đây cho vui, nhưng sau đó nghiện luôn. Một ngày mà không đến chát là cháu buồn, mà khi đã chát thì chú biết đấy, càng chát càng nghiện, càng say, nhất là gặp được người hợp gu”.
Buổi trưa trời nóng, phòng chát Kim Ngân đông người, một máy 3 - 4 người chát. Người đứng người ngồi ồn ào, xe máy xe đạp để kín vỉa hè. Có học sinh học buổi chiều, ăn cơm trưa sớm tranh thủ vào chát trước khi đến lớp học. Có người trước khi về nhà ăn cơm trưa cũng ghé và chát, thế là say sưa và quên luôn cơm trưa.
Ngăn chặn những trang web “bẩn”
Bên cạnh những phòng net chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Bộ văn hoá Thông tin và Truyền thông, cấm truy cập những trang web có nội dung xấu không lành mạnh, độc hại, thì không ít tiệm net vì lợi ích kinh tế đã “thả rông” những tranh web “bẩn”. Đã không có biện pháp khóa lại, khi khách đến chát, chủ tiệm còn “gợi ý” : “có thích xem tí chưởng mềm không?”. Đa số các “thượng đế” đều mỉm cười và gật đầu. Những thanh niên trưởng thành đã đành, đằng này những cậu học trò tuổi “chíp hôi, chíp bông” cũng tò mò tìm địa chỉ tuy cập trang web “bẩn”. Tuy nhiên không phải cậu nào cũng biết địa chỉ và biết cách truy cập.
Không ít vụ hiếp dâm trẻ em, nghiện hút thậm chí giết người xảy ra ngay sau khi lên mạng xem những trang web “bẩn”. Nhiều gia đình có điều kiện mua cho con máy tính và nối mạng internet để con học tập, nhưng ngờ đâu, chính những trang web “bẩn” đã làm con hư hỏng. Đến khi bố mẹ phát hiện được thì… đã muộn.
Một thực tế hiện nay là số người lên mạng ngày càng đông, trong đó thiếu niên là học sinh chiếm 80%. Chỉ cần 3.000 đồng là có thể vào mạng tìm bạn, nếu có địa chỉ sẵn sàng truy cập xem những nội dung không lành mạnh. Chị Ngọc Thủy ở tiệm net Ngọc Thủy phường 12 cho biết: “Hiện nay rất nhiều trang web “bẩn” tung lên mạng. Tiệm chúng tôi đã khoá tất cả những trang web có nội dung xấu độc mà mình biết, nhưng không phải trang web “bẩn” nào mình cũng biết địa chỉ. Khách đến chát, họ “thủ” sẵn địa chỉ và truy cập. Nếu chủ tiệm thấy nhắc nhở họ tắt đi hoặc dừng lại không cho chát nữa, chứ thực sự cấm thì rất khó. Theo tôi để ngăn chặn những trang web “bẩn” trên mạng hiện nay, phải phối hợp đồng bộ ngay từ cơ quan quản lý mạng net gốc. Cùng với đó các tiệm net khóa tất cả các trang web “bẩn” có nội dung xấu độc, tăng cường kiểm tra nhắc nhở khách hàng, không đặt máy quay mặt vào tường. Điều quan trong hơn vẫn là ý thức của mọi người khi lên mạng”.
Bài và ảnh: Mai Thắng