Khắc phục tồn tại môi trường ở hồ Tây

Hiện nay, tại hồ Tây (Hà Nội) có một số vị trí thuộc phường: Quảng An, Yên Phụ… tồn tại rác thải, ụ nổi gạch đá, cầu dẫm đến gây ô nhiễm và mất mỹ quan hồ.

Chú thích ảnh
Nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội dùng thuyền di chuyển đến các khu vực cá chết nổi để vớt cá mang đi xử lý theo quy định. Ảnh tư liệu: TTXVN phát

Về nội dung này, phía Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội - đơn vị có nhiệm vụ giữ gìn, điều tiết mực nước, thu vớt rác trên mặt hồ cho biết, hồ Tây có diện tích rộng khoảng 500 ha nên việc xuất hiện một vài điểm tồn tại là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, với trách nhiệm được giao, phía Công ty đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung khắc phục những tồn tại. Theo đó, Công ty yêu cầu Xí nghiệp 1 là đơn vị trực thuộc bố trí công nhân thu dọn các cây cỏ dại trên các bãi nổi ven hồ, vớt rác thải, cá chết phát sinh hàng ngày để đảm bảo cảnh quan môi trường, thường xuyên phối hợp UBND các phường ven hồ và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Tây Hồ nắm bắt thông tin các vị trí phát sinh rác thải để kịp thời thu dọn.

Còn về những tồn tại khác không thuộc phạm vi quản lý, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cũng đề xuất, chính quyền địa phương tuần tra xử phạt các trường hợp xả rác xuống hồ; tiến hành tháo dỡ một số cầu dẫn xuống hồ; phá dỡ ô gạch xây dựng trong lòng hồ.

Bằng chứng là thời gian qua Công ty đã phối hợp cùng UBND Phường Quảng An tổ chức cưỡng chế dỡ bỏ 21 cầu tạm, 1 nhà nổi tồn tại từ lâu; phá dỡ giải toả nhiều ô xây gạch trồng rau, trồng hoa trên bờ kè.

Trao đổi với lãnh đạo quận Tây Hồ được biết, quận đang giao ngành chức năng liên quan tham mưu về xây hoàn thiện dự thảo Quy định quản lý và khai thác hồ Tây, quản lý hồ Tây (Đề án) để trình thành phố trong thời gian tới đây, sau khi quận vừa hoàn thành di dời toàn bộ các phương tiện thủy cũ nát ra khỏi hồ theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.

Theo đề án, quận Tây Hồ định hướng sẽ làm sạch nước hồ Tây bằng việc nạo vét bùn, tăng cường sục khí, thả bè thủy sinh hoặc một vài biện pháp khác. Còn phía trên bờ, quận Tây Hồ cũng có dự định cải tạo, chỉnh trang hạ tầng quanh hồ như bố trí đèn điện chiếu sáng, đèn trang trí, cải tạo đường dạo, vườn hoa quanh hồ.

Mục đích nhằm bảo tồn, phát huy giá trị tiềm năng, lợi thế của hồ Tây góp phần xây dựng quận trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa của Thủ đô.

Hiện, quận Tây Hồ đã chủ động báo cáo và được thành phố chấp thuận chủ trương giao quận là đầu mối quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất. Từ đó, phối hợp với sở ngành tổ chức thực hiện việc quản lý hồ Tây trên nhiều lĩnh vực.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Cẩn trọng khi khôi phục các dịch vụ kinh doanh trên Hồ Tây
Cẩn trọng khi khôi phục các dịch vụ kinh doanh trên Hồ Tây

Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao ở Hồ Tây, Hà Nội dự kiến cho phép nhiều loại hình kinh doanh mở lại, trong đó có tàu du lịch. Theo nhiều chuyên gia về môi trường, thành phố cần phải cẩn trọng và có nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường, tránh tình trạng lại gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Hồ Tây như trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN