Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương, bão số 5 và tiếp sau đó là cơn bão số 6 quét qua, nhiều tuyến đê của các tỉnh Bắc Bộ bị sạt lở, thấm nước. Ngay sau khi xảy ra các sự cố mất an toàn này, ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương đã và nhanh chóng huy động nhân lực, vật lực khẩn trương tu sửa để đảm bảo an toàn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đoàn công tác kiểm tra việc gia cố đoạn đê Lò Vôi (xã Hải Xuân, TP Móng Cái, Quảng Ninh), nơi bị sạt lở nghiêm trọng trong cơn bão số 6 vừa qua. Ảnh: Bá Khang |
Cụ thể, với sự cố xói lở hàm ếch xảy ra tại đoạn K5+000 đê La Thạch (Hà Nội) phía thượng lưu dài khoảng 30 m, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) Hà Nội đã xử lý hạn chế nước chảy vào khu vực bị xói.
Còn với những sự cố xảy ra trên tuyến đê Hữu Cầu tại huyện Yên Phong (Bắc Ninh) như: sạt mái cơ đê phía đồng với chiều dài 40 m, lún từ 3 - 10 cm; và 6 khu vực bị thẩm lậu nước trong ra mái đê, Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện đã tăng cường tuần tra, canh gác theo dõi sát diễn biến sự cố. Riêng đoạn K29+150 (xuất hiện bãi sủi cách chân đê 2m) đã cơ bản được xử lý xong. Với sự cố thẩm lậu nước ra mái đê tại K69+900 - K70+100 thuộc huyện Quế Võ, Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện cũng đang theo dõi sát diễn biến sự cố.
Tại Bắc Giang, điểm sạt lở nghiêm trọng ở khu vực K14+070 - K14+640 đê hữu Thương thuộc huyện Tân Yên đang được gia cố. Theo ông Nguyễn Xuân Diệu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Ủy viên Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, đây là điểm sạt lở nghiêm trọng nhất do bão số 5, 6 gây ra, vượt ra ngoài khả năng ứng phó của địa phương. Do đó, Tổng cục đã phải lên phương án gia cố điểm sạt lở này. Ông Nguyễn Minh Nhất, cán bộ kỹ thuật của Chi cục quản lý đê điều và PCLB Bắc Giang cho biết, hiện nhà thầu đang thi công với tinh thần rất khẩn trương để gia cố đoạn đê này bởi nếu gặp mưa to nước lớn thì điểm sạt lở này sẽ còn diễn biến phức tạp. Còn điểm sạt lở bờ sông Thương thuộc huyện Yên Thế đã cơ bản được khống chế.
Ông Hồ Trọng Khải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và PCLB Hưng Yên cho biết, với điểm sạt lở ở khu vực cuối kè Nghi Xuyên tương ứng K105+900 đê tả Hồng, Chi cục đã lên phương án xử lý nhưng chưa thể triển khai vì thiếu kinh phí. Do nguồn ngân sách dự phòng cho phòng chống lụt bão của Hưng Yên hiện đã cạn kiệt nên Chi cục đang kiến nghị cấp trên bổ sung. Tuy nhiên, xác định đây là sự cố khá nghiêm trọng, chỉ cách nhà dân khoảng 30 m nên Chi cục sẽ sớm gia cố lại điểm sạt lở này để đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư lân cận. Dự kiến khoảng một tuần nữa, điểm sạt lở này sẽ được gia cố xong.
Ban chỉ huy PCLB và TKCN Hải Dương cho biết, hai điểm sạt lở tại sông Kinh Thầy thuộc địa bàn tỉnh hiện mới có phương án gia cố. Tại Hà Nam, điểm sạt lở khu vực K95+945 - K95+970 đê tả Đáy (Kim Bảng) và khu vực K103+720 đê tả Đáy (Phủ Lý) trượt mái đê thượng lưu cũng chưa được tu sửa. Riêng điểm sạt lở khu vực K122+700 đê tả Đáy (Thanh Liêm) đã được xử lý xong.