Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận đăng ký tuyển dụng lao động của hàng chục doanh nghiệp với nhu cầu tuyển gần 2.000 lao động. Đây là tín hiệu lạc quan cho thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, hướng đến mục tiêu 11.500 lao động có việc làm trong năm 2023.
Đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có gần 2.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, hơn 1.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Từ đầu năm đến nay, Khánh Hòa tiếp tục cấp mới thêm 124 giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp cho các đơn vị. Do đó, nhu cầu lao động và việc làm rất lớn. Trong các lĩnh vực, ngành Du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ từ năm 2022 nhờ chính sách mở cửa đón khách quốc tế, đặc biệt là các nước từ Trung Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc. Lượng khách đông đồng nghĩa với việc đáp ứng nhân lực cho ngành Du lịch lớn.
Ông Võ Quang Hoàng, Tổng quản lý khách sạn Ariyana Smart Condotel Nha Trang, Chủ tịch Hội khách sạn Khánh Hòa cho biết, lao động cho ngành Du lịch được đơn vị tuyển dụng, đào tạo lại từ đầu năm 2023 và đáp ứng phục vụ thị trường du lịch hiện tại ở địa phương. Thời gian tới, với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường khách quốc tế, nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp tục tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang cân nhắc kĩ khi tuyển dụng, bởi hiện chỉ có 80% khách sạn mở cửa.
Sau Tết Nguyên đán, người lao động trở lại làm việc đạt trên 90% ở nhà máy, công xưởng, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các đơn vị. Để phát triển sản xuất thời gian tới, các doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng ngay từ đầu năm với gần 2.000 lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ nhằm kết nối lao động có chất lượng với doanh nghiệp. Trong ngày 15/2, đơn vị tổ chức phiên giao dịch việc làm tại thị xã Ninh Hòa để tuyên truyền, kết nối lao động cho doanh nghiệp. Cùng với đó, đơn vị duy trì sàn giao dịch việc làm điện tử hàng ngày tại trung tâm; tiếp tục mở rộng kết nối lao động trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
“Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động trong đợt tuyển dụng quý I năm nay, về trình độ Đại học trở lên sẽ chiếm khoảng 6,45%; Cao đẳng 5,23%; Trung cấp 11,51%; Sơ cấp 17,82%; lao động phổ thông chiếm khoảng 58,99%”, ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Khánh Hòa cho biết.
Việc phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bền vững là nhiệm vụ quan trọng, giải pháp căn cơ để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững. Theo Đề án “Giải quyết lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”, giai đoạn này, số lao động có việc làm tăng thêm bình quân mỗi năm là 11.500 người; tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi ở khu vực thành thị đến năm 2025 dưới 3,8% và đến năm 2030 dưới 3,5%...
Từ đầu năm đến nay, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đẩy mạnh các nội dung trong Đề án; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; mở rộng tuyên truyền việc làm ngoài nước, chính sách hỗ trợ cho người lao động để họ được tham gia, lựa chọn và ứng tuyển…
Năm 2022, toàn tỉnh có 265 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2023, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường hoạt động tư vấn, tuyển chọn và đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với đơn vị, doanh nghiệp có uy tín được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp phép để thực hiện thủ tục đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài…