Khoảng đầu tháng 5 xâm nhập mặn cơ bản giảm ở ĐBSCL

Đến giữa tháng 4/2016 độ mặn sẽ giảm dần và đến đầu tháng 5/2016 thiên tai xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cơ bản sẽ giảm.

Cả cánh đồng lúa ở Ấp Kiên Thanh, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương bị nhiễm mặn xám đen ngay trước ngày thu hoạch. Ảnh: Trọng Đạt – TTXVN

Trước xu thế diễn biến của thiên tai khí tượng thuỷ văn càng ngày khốc liệt, diễn biến phức tạp khó lường hơn, khí hậu ngày càng nóng hơn, khô hơn, mưa bão lũ nhiều hơn, bên lề cuộc họp báo thường kỳ diễn ra ngày 17/3 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Long, Trưởng Phòng Dự báo Thuỷ văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương về diễn biến thời tiết khu vực Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thời gian tới.

* Tình trạng khô hạn diễn ra tại một số tỉnh ở Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Đức Long: Hiện nay, ở khu vực Nam Trung Bộ trên một số sông, mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ; đặc biệt trên sông Cái Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tại trạm Đồng Trăng đã xuống mức 3,10 m (7 giờ ngày 11/3) ở mức thấp nhất lịch sử. Lượng dòng chảy trên các sông đều thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận thấp hơn rất nhiều (khoảng 62-90%); trên một số sông suối nhỏ ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận tiếp tục xảy ra tình trạng cạn kiệt.

Khu vực Tây Nguyên, mực nước trên các sông biến đổi với xu thế giảm chậm; lượng dòng chảy trên phần lớn các sông thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các sông ở Gia Lai, Kon Tum thấp hơn từ 55-65%; trên một số sông suối nhỏ tiếp tục xảy ra tình trạng cạn kiệt như sông Đắk Bla tại Kon Tum đã xuống mức 514,84m (7 giờ ngày 7/3) ở mức thấp lịch sử. Phần lớn các hồ chứa thủy lợi ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có dung tích trữ thấp như: hồ Đá Bàn (Khánh Hòa) chỉ đạt 17,3%, hồ Đạ Ròn, Phước Trung (Lâm Đồng) đạt 27% ... Đối với hồ thủy điện, tính đến ngày 11/3/2016, mực nước hầu hết các hồ chứa ở Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 2-8m; một số hồ thấp hơn rất nhiều như Kanak 13,41m, Ialy 16,29m, Đại Ninh 13,86m...; thậm chí một số hồ đã ở mực nước chết.

* Trước tình trạng khô hạn như hiện nay, liệu có xảy ra tình trạng thiếu nước không, thưa ông?


Ông Vũ Đức Long: Đối với khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên nhìn chung, nhiệt độ trung bình tháng 3 đến tháng 6 cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,3 - 0,7 độ C; lượng mưa từ tháng 3-6 thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-50%, riêng khu vực Tây Nguyên từ tháng 6 trở đi, lượng mưa trên khu vực sẽ xấp xỉ giá trị trung bình nhiều năm.

Từ nay đến cuối tháng 6 /2016, dòng chảy trên các sông Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Dòng chảy trên các sông ở Bắc Trung Bộ có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 50- 70%; ở Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 60-80%, một số nơi thiếu hụt nhiều hơn 80%; ở Tây Nguyên trong tháng 3 -4/2016 thấp hơn khoảng 60-80% và khoảng 30-50% trong tháng 5-6/2016.

Mùa khô 2016 ở các tỉnh ven biển Trung Bộ sẽ kéo dài tới tháng 8-9/201 6. Trên nhiều sông sẽ tiếp tục xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ và thấp nhất lịch sử.

Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông và hồ chứa ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên nên trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2016 tình trạng khô hạn, thiếu nước có khả năng sẽ xảy ra trên diện rộng v à khốc liệt hơn so với năm 2015 , đặc biệt tại một số tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và nguy cơ xảy ra xâm nhập mặn vào sâu nội đồng ở khu vực này là rất cao.

* Ông đánh giá thế nào về khả năng hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới?

Ông Vũ Đức Long: Khu vực Nam Bộ từ nay cho tới hết mùa khô nhiệt độ trung bình có khả năng cao hơn từ 1 - 2 độ C. Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm ở miền Đông Nam Bộ; tổng lượng mưa ở thượng và trung lưu sông Mê Kông (Thái Lan, Lào, Campuchia) trong các tháng 3,4,5/2016 được dự báo ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-30%. Lượng mưa ở đồng bằng sông Cửu Long phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30-50% , trong đó tình trạng khô hạn, thiếu hụt nước ở miền Tây Nam Bộ sẽ gay gắt hơn miền Đông Nam Bộ.

Hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào diễn biến nắng nóng, mưa, dòng chảy sông Mê Kông, thủy triều và hoạt động của gió mùa Đông Bắc ở vùng biển Nam Bộ.

Dự báo, dòng chảy từ thượng lưu về vùng đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 2016 dự kiến ở mức thấp, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015. Đặc biệt từ ngày 11-18/3/2016 do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với đợt gió mùa đông bắc độ mặn sẽ tăng cao và vào sâu trong nội đồng, khả năng đây sẽ là đợt xâm nhập mặn cao (tương đương với đợt mặn đầu tháng 2/2016), ranh mặn 4g/l trên sông Vàm Cỏ xâm nhập sâu từ 100 - 120 km tính từ cửa sông; trên sông Tiền, sông Hậu xâm nhập sâu nhất khoảng 60- 65 km.

Đến giữa tháng 4/2016 độ mặn sẽ giảm dần và đến đầu tháng 5/2016 thiên tai xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cơ bản sẽ giảm. Trong khi đó lượng mưa vẫn ở tình trạng thiếu hụt và đồng thời với sự xuất hiện nắng nóng nên đến tháng 5/2016, thiên tai hạn hán mới suy giảm ở Nam Bộ.

Thu Hà (thực hiện)
Chủ động phương án phòng chống hạn, mặn trước mắt và lâu dài
Chủ động phương án phòng chống hạn, mặn trước mắt và lâu dài

Ngày 17/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm, làm việc tại tỉnh Bến Tre, kiểm tra công tác phòng chống hạn, mặn đang diễn ra gay gắt trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN