Ngày 17/5, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 12-17 giờ. Ngày 18/5 nắng nóng có xu hướng dịu dần.
Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao. Dự báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1.
Các vấn đề sức khỏe thường gặp ở mùa nắng nóng là mất nước, kiệt sức, say nắng, say nóng hoặc đột quỵ do thay đổi môi trường đột ngột hoặc do tiếp xúc quá lâu, làm việc trong môi trường nắng nóng, nhiệt độ cao.
Mức độ nhẹ là các biểu hiện gây mệt mỏi, khát nước, hoa mắt, chóng mặt, tăng nhịp tim, nhịp thở, chuột rút... Mức độ nặng sẽ bị đau đầu, khó thở tăng dần, cảm giác buồn nôn hoặc nôn, co giật, ngất xỉu hoặc hôn mê, trụy tim mạch và có thể dẫn đến tử vong.
Để bảo vệ sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong khoảng thời gian từ 10-16h. Những người đang ở phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên ra ngoài trời nắng đột ngột, tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài. Mọi người nên mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi; rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu; tăng cường các loại rau xanh, hoa quả, đặc biệt cần uống tối thiểu 1,5-2 lít nước/ngày.
Những người phải làm việc ngoài trời bố trí thời gian làm vào những lúc trời mát hoặc không làm việc quá lâu, tránh các hoạt động thể lực quá mức, có thời gian nghỉ ngơi định kỳ ở nơi thoáng mát, uống nước bổ sung muối, khoáng chất đối với những người mất nhiều mồ hôi.