Không gieo sạ khoảng 180 ha lúa để phản đối giá tưới tiêu nước quá cao

Đến nay, đã hơn 2 tháng kể từ khi thu hoạch xong vụ lúa Đông Xuân nhưng nhiều hộ dân trong Tổ hợp tác số 12 (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) đồng loạt không gieo sạ khoảng 180 ha vụ lúa Hè Thu năm 2024 vì nông dân bức xúc, phản ứng việc chủ đầu tư Trạm bơm Tân Hòa (trước đây là Hợp tác xã tưới tiêu kênh Tân Hòa) thu phí phục vụ tưới tiêu nước quá cao trong suốt nhiều năm qua.

Chú thích ảnh
Đất ruộng của Tổ hợp tác số 12, xã Tân Hộ Cơ (Tân Hồng, Đồng Tháp) đã được cày xới từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa gieo sạ vụ lúa Hè Thu năm 2024.

Khoảng 180 ha lúa chưa gieo sạ

Trên cùng cánh đồng thuộc xã Tân Hộ Cơ, chỉ cách nhau đường nước nhưng một bên vẫn chưa sạ lúa, là khu vực thuộc Tổ hợp tác số 12 do Trạm bơm Tân Hòa phục vụ tưới tiêu; còn một bên lúa đã hơn 20 ngày tuổi vì khu vực này do một đơn vị khác phục vụ bơm tưới. Thấy ruộng lúa kế bên xanh tốt, trong khi 6 ha ruộng của mình nằm chờ gieo sạ, ông Đỗ Ngọc Phượng ngụ xã Tân Hộ Cơ nôn nóng như “ngồi trên đống lửa”.

Ông Đỗ Ngọc Phượng cho biết, sau 3 năm phục vụ tưới tiêu với giá kg lúa/1.000m2/vụ, kết thúc vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, Trạm bơm Tân Hòa hết thời gian hợp đồng với Tổ hợp tác số 12. Chủ đầu tư trạm bơm và nông dân trong Tổ hợp tác đã bàn bạc, thỏa thuận mức giá phục vụ nước tưới tiêu cho thời gian tới nhưng hai bên không thống nhất. Vì vậy, tuy 6 ha rộng đã cày xới hơn 2 tháng qua nhưng đến nay, ông Phượng vẫn chưa thể xuống giống vụ lúa Hè Thu.

Không chỉ ông Phượng mà ông Nguyễn Công Thủ ở xã Tân Hộ Cơ cũng đang bỏ trống 3 ha đất ruộng trong Tổ hợp tác số 12. Ông Thủ cho hay, chủ đầu tư Trạm bơm Tân Hòa yêu cầu phải trả chi phí bơm tưới bằng lúa với mức 37 kg lúa/1.000m2/vụ, không nhận trả bằng tiền. Sơ tính, với giá lúa trung bình 7.500 đồng/kg, nghĩa là ông phải trả chi phí bơm tưới mỗi vụ hơn 277.000 đồng/1.000m2. Như vậy sẽ cao hơn nhiều so với mặt bằng chung các tổ hợp tác khác ở lân cận. Vì vậy, ông Thủ và nhiều nông dân yêu cầu trả chi phí tưới tiêu bằng tiền mặt với giá 200.000 đồng/1.000m2/vụ nhưng chủ đầu tư không đồng ý.

Theo nhiều người dân địa phương, Trạm bơm Tân Hòa phục vụ tưới tiêu nước cho Tổ hợp tác số 12 đã khá lâu nhưng chi phí luôn cao. Giai đoạn từ năm 2000 - 2012, phí (trả bằng lúa) bơm nước tưới tiêu mỗi vụ cho 1.000m2 giảm dần là 70 kg, 60 kg rồi 42 kg vì giá trị hạt lúa ngày càng tăng. Từ năm 2013 - 2023, giá bơm nước tưới tiêu vẫn giữ kg/1.000m2 /vụ. Trong khi đó, các cánh đồng khác tại một số địa phương trong huyện Tân Hồng như Thông Bình, Bình Phú…, các chủ đầu tư nhận chi phí tưới tiêu bằng tiền và mức giá dao động từ 165.000 đồng đến 210.000 đồng/1.000m2 mỗi vụ.

Do không chấp nhận mức phí tưới tiêu nước quá cao nên nhiều hộ dân trong Tổ hợp tác số 12 yêu cầu hạ giá nhưng không được xem xét, giải quyết thỏa đáng. Vì vậy, khoảng 180 ha ruộng trong Tổ hợp tác này chưa gieo sạ vụ lúa mới. Người dân có nguy cơ cao ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống nhưng trước mắt, sẽ ảnh hưởng đến lịch thời vụ và có thể sẽ tăng chi phí sản xuất. Một số diện tích ruộng đã làm đất từ sớm, không sạ lúa, cỏ dại phát triển nên nông dân phải tốn chi phí cày xới đất lần thứ 2.

Theo lãnh đạo huyện Tân Hồng, ngày 14/3/2000, Công ty Thủy nông - Phát triển Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp ký hợp đồng kinh tế số 34/HĐKT- 2000 với Hợp tác xã tưới tiêu kênh Tân Hòa, người đại diện ký hợp đồng là ông Phan Sơn Trắng. Trong hợp đồng này thể hiện phía Công ty Thủy nông - Phát triển Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp có bán lại các hạng mục công trình cho Hợp tác xã tưới tiêu kênh Tân Hòa như: thiết bị điện, thiết bị máy bơm nước và các công trình cống… với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng. Sau khi ông Trắng mất, ông Phan Thanh Tuấn (con trai ông Trắng) tiếp tục đại diện khai thác Trạm bơm Tân Hòa cho đến nay.

Trông chờ giải quyết từng ngày

Các nông dân của Tổ hợp tác số 12 đã nhiều lần phản ánh với lãnh đạo xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng và gửi đơn cho lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp về khó khăn trong việc tưới tiêu. Người dân mong muốn có chủ đầu tư trạm bơm mới nhằm đảm bảo việc tưới tiêu cho đồng ruộng với giá hợp lý hơn.

Ngày 20/4 vừa qua, với sự chứng kiến của ông Phan Thanh Tuấn và nhiều hộ dân của Tổ hợp tác số 12, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng phối hợp Đảng ủy, UBND xã Tân Hộ Cơ tổ chức đấu giá chọn chủ đầu tư trạm bơm mới. Kết quả, ông Phạm Trọng Trí trúng đấu giá, phục vụ tưới tiêu nước cho Tổ hợp tác số 12 với mức thu 200.000 đồng/1.000 m2 mỗi vụ.

Chú thích ảnh
Cánh đồng khoảng 180ha thuộc Tổ hợp tác số 12, xã Tân Hộ Cơ (Tân Hồng, Đồng Tháp) không gieo sạ vụ lúa Hè Thu năm 2024 để phản đối chủ Trạm bơm Tân Hòa thu giá bơm nước quá cao.

Tuy nhiên gần đây, chủ đầu tư trạm bơm mới không thể triển khai thực hiện lắp đặt máy móc, thiết bị tại vị trí gần trạm bơm của chủ đầu tư cũ để phục vụ kịp thời cho Tổ hợp tác số 12. Lý do được đưa ra là phần đất tại khu vực lắp đặt máy bơm thuộc quyền sở hữu của chủ trạm bơm cũ, không phải đất công nên chủ đầu tư mới không thể đặt máy bơm. Cùng với đó là kết quả đấu giá chưa được phê duyệt do quy trình, thủ tục tiến hành chưa bảo đảm theo quy định.

Vì vướng mắc chuyện nước tưới nên 2 ha lúa của ông Lê Hồng Thuận trú xã Tân Hộ Cơ không thể xuống giống đúng lịch thời vụ. Trong khi đó, nguồn thu nhập chính của gia đình ông chỉ trông nhờ vào lúa.

“Chính quyền địa phương, ngành chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ phần đất khu vực đặt trạm bơm thuộc quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nào hay là đất công để chủ đầu tư mới đặt máy bơm, tiến hành bơm nước vào ruộng càng sớm càng tốt”, ông Thuận mong muốn.

Ông Phan Thanh Tuấn (chủ đầu tư trạm bơm cũ) từng cương quyết không thống nhất mức giá tưới tiêu mỗi vụ 200.000 đồng/1.000m2 như đề nghị ban đầu của nông dân. Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 9/5/2024, với sự chủ trì của UBND huyện Tân Hồng, ông Phan Thanh Tuấn bỗng dưng “quay đầu” đồng ý phục vụ tưới tiêu vụ lúa Hè Thu năm 2024 cho Tổ hợp tác số 12 với mức giá khá “hời” chỉ 150.000 đồng/1.000 m2/vụ.

Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng Huỳnh Văn Nhã cho biết, ngay sau khi nắm tình hình của Tổ hợp tác số 12, lãnh đạo huyện và các phòng, ban chuyên môn đã họp nhiều lần để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Lãnh đạo huyện sẽ đến gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người dân trong Tổ hợp tác số 12; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ chủ trương của huyện là nhanh chóng bơm nước vào ruộng để làm đất, xuống giống. Trong thời gian 3 tháng của vụ lúa Hè Thu, huyện sẽ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với địa phương để giải quyết rõ ràng quyền sở hữu tài sản của chủ đầu tư cũ. Sau đó, tổ chức đấu giá khai thác trạm bơm.

Ông Huỳnh Văn Nhã cho biết thêm, UBND huyện sẽ phối hợp với các sở, ngành tỉnh kiểm tra tính pháp lý của Hợp đồng kinh tế số 34/HĐKT- 2000 của Công ty Thủy nông - Phát triển Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp ký với Hợp tác xã tưới tiêu kênh Tân Hòa để có những giải pháp thực hiện tiếp theo; chỉ đạo các phòng chuyên môn hướng dẫn thực hiện việc tổ chức đấu giá tại Tổ hợp tác số 12 (sau vụ Hè Thu năm 2024) bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Nhựt An (TTXVN)
Tập trung gieo sạ vụ lúa Đông - Xuân, hạn chế mặn xâm nhập
Tập trung gieo sạ vụ lúa Đông - Xuân, hạn chế mặn xâm nhập

Hiện nay, nông dân Sóc Trăng đang chủ động đẩy nhanh tiến độ xuống giống vụ lúa Đông - Xuân 2023 - 2024 nhằm ứng phó với nước mặn xâm nhập ở cuối vụ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, năm nay vụ lúa Đông - Xuân xuống giống sớm từ 20 - 30 ngày so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN