Bản đồ quan trắc chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) ghi nhận, trong số 33 điểm quan trắc ở Hà Nội vào sáng 16/4 có 25 điểm có chất lượng không khí tốt, 8 điểm có chỉ số ở mức vàng (chấp nhận được), đến chiều số điểm chất lượng tốt tăng lên 26 điểm.
Website moitruongthudo.vn của UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ ghi nhận các điểm màu vàng và xanh, tương ứng chất lượng không khí dao động ở mức trung bình và tốt. Buổi sáng có 11 khu vực ở mức trung bình và 21 khu vực ở mức tốt, đến chiều chỉ còn 9 điểm trung bình và 23 điểm không khí tốt.
Theo ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty Cổ phần tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý), tại Hà Nội vào buổi sáng có 2 điểm ở Gia Thượng (Long Biên) và Trường mầm non thực hành Hoa Hồng (Đống Đa) không khí ở mức màu cam, những người nhạy cảm mới gặp các vấn đề về sức khỏe; đến chiều thì không còn điểm màu cam. Các điểm quan trắc còn lại ở Hà Nội chủ yếu được hiển thị màu vàng xanh - không khí có chất lượng tốt, chỉ có 5 điểm được hiển thị bằng màu vàng - chất lượng không khí ở mức trung bình.
Ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) trong sáng 16/4 chỉ ghi nhận 1 điểm duy nhất (trụ sở Công an phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) có màu cam, các điểm còn lại ở khắp khu vực Hà Nội không khí ở mức tốt và chấp nhận được. Đến chiều, chỉ có 1 điểm ở thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) mang màu đỏ, những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Các điểm còn lại không khí tốt hoặc chấp nhận được.
Để không khí trong sạch hơn, các chuyên gia môi trường cho rằng cần áp dụng những giải pháp khả thi như dùng những nguồn năng lượng sạch, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tăng không gian xanh ở các khu đô thị, không đốt rơm rạ, hạn chế tối đa ra đường vào giờ cao điểm....
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2021-2025, thành phố phấn đấu hoàn thành xây dựng mới một số công viên như: Kim Quy, Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, hồ Phùng Khoang và đưa Công viên Chu Văn An giai đoạn 2 vào sử dụng, nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa; trồng mới hơn 554 nghìn cây xanh đô thị. Trong đó, năm 2021, thành phố sẽ trồng hơn nghìn cây; các quận, huyện, thị xã trồng hơn 25 nghìn cây.