Đáng chú ý hơn, việc san lấp, đắp nền trái phép tại đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới tình trạng sụt lún, chia cắt đường Hồ Chí Minh, đồng thời ảnh hưởng tới nhiều hộ dân sinh sống liền kề tại vị trí thấp hơn.
Ai đã san lấp hàng nghìn khối đất trái phép?
Cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023, nhiều trận mưa lớn trong thời gian ngắn đã gây ra một đợt ngập lụt “lịch sử” tại thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Lượng mưa được ghi nhận lớn nhất trong gần 20 năm kể từ thời điểm tái lập tỉnh Đắk Nông (năm 2004) đã kéo theo nhiều công trình hạ tầng, giao thông bị sạt lở, sụt lún, hư hại nặng.
Trong số đó, một đoạn đường Hồ Chí Minh tại khu vực cửa ngõ thành phố Gia Nghĩa, thuộc địa phận phường Nghĩa Thành đã bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. 2/4 làn đường đã bị chia cắt, không thể lưu thông. Nhiều vết nứt lớn, dài hàng chục mét cộng với nhiều đoạn mặt đường, dải phân cách, vỉa hè bị sụt lún (sụp xuống từ 4 – 5m so với mặt đường hiện trạng).
Sau gần 1 năm xảy ra sụt lún, sạt trượt, tổ điều tra nguyên nhân sự cố do UBND tỉnh Đắk Nông thành lập đã công bố nhóm các nguyên nhân khiến việc lưu thông qua đường Hồ Chí Minh, tuyến giao thông chính đi qua tỉnh Đắk Nông bị chia cắt, gián đoạn. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan do thời tiết (lượng mưa lớn, nước ngầm tích tụ) và các yếu tố địa chất, địa hình, thì nguyên nhân chủ quan dẫn tới sụt lún, sạt trượt đoạn đường này là do khối đất san nền hàng nghìn mét khối (trên diện tích hơn 1.500 m2 nằm liền kề với đoạn đường đã bị sụt lún, sạt trượt).
Ngành chức năng xác định khối đất nằm ngoài hồ sơ hoàn công của dự án nâng cấp, cải tạo đoạn đường này (vốn được bàn giao, đưa vào sử dụng từ năm 2013). Đáng chú ý hơn, bên dưới khối đất san nền này là nhiều hộ dân đang cư trú, sinh sống và nhiều ngôi nhà đã bị lún, nứt do tác động từ sự cố đường Hồ Chí Minh và khối đất san nền liền kề. Và khoảng cách từ khối đất bị sụt lún tới vách nhà một số hộ dân chỉ khoảng 50 m.
Ngành chức năng xác định việc san lấp khối đất san nền đã được thực hiện sau thời điểm cải tạo, nâng cấp tuyến đường. Và khối đất này đã tạo áp lực lên mặt đường (đã bị sụt trượt) và mái ta luy âm nền đường đắp. Việc san lấp là tự phát, chưa được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, xem xét các tác động cũng như cấp phép thực hiện.
Cũng theo báo cáo của tổ giám định, sự cố sụt lún, sạt lở đường Hồ Chí Minh nêu trên có liên quan tới khối đất san nền và tổ đã yêu cầu các đơn vị liên quan (từ chủ đầu tư, chính quyền địa phương, và ngành chức năng thành phố Gia Nghĩa) cung cấp các hồ sơ liên quan. Tuy nhiên, sau gần 1 năm kể từ thời điểm xảy ra sự cố, các đơn vị liên quan đều chưa cung cấp với lý do hồ sơ đã bị… thất lạc trong quá trình lưu trữ.
Theo một lãnh đạo UBND thành phố Gia Nghĩa, lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường bộ Đắk Lắk đã báo cáo rằng khi công ty này triển khai dự án (vào các năm 2017 – 2019) thì hiện trạng khu vực này đã như vậy rồi. Công ty Cổ phần Đường bộ Đắk Lắk không nhận mình là đơn vị đã san lấp. Và ngành chức năng cũng chưa xác định được việc san lấp trái phép tại đây là do cá nhân hay doanh nghiệp nào thực hiện.
Hạ tầng cơ bản hoàn thiện dù chưa được cấp phép xây dựng
Theo ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tại phường Nghĩa Thành và Nghĩa Phú đã được UBND tỉnh Đắk Nông cấp chủ trương lần đầu cho Công ty Cổ phần Đường bộ Đắk Lắk vào tháng 6/2015. Đến cuối năm 2019, dự án này cơ bản được san lấp xong mặt bằng và thi công tương đối hoàn thiện hệ thống đường giao thông, cống thoát nước, trụ điện… Đến tháng 10/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Nông đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư của dự án này với lý do “nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án”.
Theo một số hộ dân sống liền kề với khu vực đường Hồ Chí Minh, việc san lấp, thi công hạ tầng khu dân cư của Công ty Cổ phần đường bộ Đắk Lắk đã cơ bản hoàn thành vào năm 2019. Diện tích đất được san lấp hoàn thiện kéo dài hàng trăm mét dọc theo bên phải đoạn đường bị sạt trượt (theo hướng lưu thông từ Đắk Nông sang Đắk Lắk) và vị trí cao nhất của khối đất này khoảng 30 m so với mặt nền hiện trạng. Do đây là mái ta luy âm nên khối lượng đất đắp phải lên tới hàng chục nghìn mét khối.
Theo ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích khu dân cư khoảng 10.000 m2. Trong số đó, khu vực bị sụt lún, sạt trượt nghiêm trọng (sụt khoảng 5 m so với vỉa hè, mặt đường hiện trạng) hơn 1.500 m2. Trên thực địa, khu vực này nằm ở vị trí “đuôi” của khu tái định cư và chỉ cách nhà các hộ dân sống liền kề khoảng 50 m.
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN tại Đắk Nông về trách nhiệm của các bên liên quan tới tình trạng san lấp, thi công dự án hạ tầng khu dân cư trên diện tích 10.000 m2 khi chưa có giấy phép xây dựng, lãnh đạo UBND thành phố Gia Nghĩa cho biết hiện đang yêu cầu chính quyền địa phương, ngành chức năng thành phố rà soát, tìm kiếm hồ sơ và các biên bản, văn bản kiểm tra, xử phạt (nếu có) liên quan tới dự án. Việc phân định, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan sẽ được thực hiện sau khi “chốt” các vấn đề liên quan tới hồ sơ và quản lý dự án này.
Phóng viên TTXVN tại Đắk Nông đã liên hệ nhiều lần với lãnh đạo Công ty Cổ phần Đường bộ Đắk Lắk để trao đổi các thông tin, nội dung liên quan nhưng không nhận được phản hồi.
Theo một số hộ dân sống liền kề với dự án của Công ty Cổ phần Đường bộ Đắk Lắk, việc sụt lún, sạt trượt có nguyên nhân từ khối đất đắp nền và ngành chức năng cần phân định rõ để xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư, nhất là trong bối cảnh nhiều nhà dân đã bị lún, nứt từ tháng 8/2023 và vấn đề di dời, tái định cư cho các hộ dân tới nay vẫn chưa “ngã ngũ”.