Bắc Bộ và Tây Nguyên có mưa to và dông
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ chiều tối 30/8 đến chiều tối 1/9, khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-100mm, cục bộ có nơi trên 150mm. Từ chiều tối 30/8 đến chiều tối 31/8, Bắc Bộ có mưa vừa và dông, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa 20-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Khu vực vùng núi đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, nhất là trong dịp nghỉ lễ 2/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên triển khai việc huy động mọi lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua. Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Lưu ý, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông cũng như các hoạt động trong khu du lịch, khu vui chơi, giải trí trong dịp nghỉ lễ.
UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Tây Nguyên tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.
Các địa phương nêu trên chủ động tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; đồng thời chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của mưa lớn đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Mưa lớn gây thiệt hại ở nhiều địa phương
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lớn từ đêm 29 đến đến 18 giờ ngày 30/8 tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Tại tỉnh Tuyên Quang, mưa lớn đã làm 1 người chết (do bị lũ cuốn trôi); 1 nhà bị đất taluy sạt lở vào nhà tại thôn Tháng 10, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên; 25,4 ha lúa, ngô bị ngập, 1,5 ha đất ruộng bị xói lở, vùi lấp và một số tuyến đường liên thôn, xã và ĐT 188 trên địa bàn huyện Lâm Bình bị sạt lở, hư hỏng.
Mưa lớn tại tỉnh Lào Cai đã làm 114 nhà ở bị thiệt hại do bị nước tràn vào gây ngập úng, hư hỏng vật dụng. Một hộ dân tại tổ 14, phường Pom Hán, bị sạt taluy dương làm đổ tường phía sau nhà; 40 ha ngô, cây ăn quả, hoa màu tại thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng bị gãy đổ, ngập nước; 2,5 ha ao cá bị thiệt hại với mức độ trên 70%; 2 trường học tại thành phố Lào Cai là Trường Tiểu học Tả Phời bị sạt taluy dương sau các phòng học với 5 m3 đất đá, Trường Mầm non Bắc Lệnh sạt lở taluy dương khoảng với 105 m3 đất đá. Đường tỉnh 161 đoạn qua huyện Bảo Thắng bị sạt lở 2 vị trí tại xã Thái Niên và thị trấn Phố Lu với khối lượng khoảng 500 m3, gây ách tắc giao thông cục bộ. Huyện Bảo Thắng cũng có 4 tuyến đường do huyện, xã quản lý bị sạt lở tại 10 điểm với 320 m3 đất đá và 400m mặt đường bị bong tróc. Mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại nhiều điểm ở thành phố Lào Cai, gây ách tắc giao thông cục bộ. Hiện tại nước đã rút giao thông đi lại bình thường. Tổng thiệt hại ước khoảng 2,8 tỷ đồng.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, mưa lớn đã làm ngập úng 32,3 ha lúa, hoa màu; 302 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi; 0,35 ha nuôi cá bị ngập; 1 cầu bị hư hỏng (thuộc tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ), sạt lở 150m taluy âm đường xóm, sạt lở 100m bờ suối, đổ 130m tường rào... Ước thiệt hại khoảng 1.907 triệu đồng.
Đối với tỉnh Hòa Bình, 2 học sinh là em Nguyễn Việt Long (sinh năm 2012, học sinh lớp 7, Trường Tiểu Học và Trung học Cơ sở Cư Yên, hộ khẩu thường trú xóm Gò Mè, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn) và em Lê Thúy Hồng (sinh năm 2016, học sinh lớp 3, hộ khẩu thường trú xóm Phú Ngọc, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn) trên đường đi học về qua ngầm Bai Mới đường xóm Hợp Phong đi Phú Ngọc bị nước lũ cuốn trôi. Lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể em Hồng và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm học sinh còn lại.
Mưa lớn kết hợp với gió lốc tại tỉnh Yên Bái đã làm thiệt hại gần 20 ha lúa và hoa màu; cuốn trôi 7 lồng cá và 130 con gia súc, gia cầm; sạt lở 1 nhà dân và nhiều điểm trên tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế, gây ách tắc giao thông.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết, tìm kiếm người bị cuốn trôi; đồng thời chỉ đạo lực lượng chức năng xuống địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.