Khuyến cáo người dân phòng bệnh khi nắng nóng kéo dài

Gần mười ngày qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Nam Bộ xảy ra đợt nắng nóng trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, lao động sản xuất; dẫn đến nguy cơ cháy nổ và gây ra nhiều bệnh lý, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ.

Chú thích ảnh
Nắng nóng khiến người dân khi ra đường phải che kín. Ảnh tư liệu: Xuân Dự/TTXVN

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đợt nắng nóng khu vực Nam Bộ bắt đầu xuất hiện từ ngày 18 - 26/4. Nhiệt độ phổ biến từ 36 đến trên 37 độ C (cao nhất là Tà Lài, Đồng Nai chiều 23/4 đạt ,3 độ C). Đây là đợt nắng nóng được đánh giá có cường độ mạnh nhất năm 2023. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nắng nóng khiến không khí oi bức, tia cực tím tăng cao. Nhiều khu vực không có cây xanh bị nhựa đường và bê tông hấp thụ nhiệt, phả ngược lại cùng với nhiệt từ các phương tiện giao thông khiến nhiệt độ thực tế có thể lên đến 42 độ C.

Ông Nguyễn Văn Tòng (làm nghề xe ôm trên đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp) chia sẻ, chưa năm nào thời tiết nóng như năm nay. Ông phải uống nước, lau mặt liên tục mà không hết nóng; đồng thời phải trùm mặt, đầu để tránh tia cực tím bảo vệ sức khỏe.

Do thời tiết nắng nóng, oi bức nên nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tại TP Hồ Chí Minh đặc biệt tăng cao trong những ngày qua. Thông tin từ Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, ngày 21/4/2023, Thành phố đã lập “kỷ lục mới” về tiêu thụ điện với lượng tiêu thụ toàn Thành phố lên tới 93,53 triệu kWh, vượt xa mốc cũ là 90,69 triệu kWh (ngày 14/5/2021), gây áp lực rất lớn về cung cấp điện. Tính đến ngày 22/4/2023, lượng điện tiêu thụ trung bình trong tháng 4 toàn Thành phố đạt 85,91 triệu kWh/ngày; trong khi đó, con số này của tháng 4 các năm 2019 và năm 2022 đều dưới 80 triệu kWh/ngày. Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh kêu gọi, khách hàng tăng cường tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả; đồng thời cài đặt ứng dụng chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty trên điện thoại di động để có thể theo dõi lượng điện sử dụng hàng ngày, chủ động điều chỉnh thói quen sử dụng để tiết kiệm điện.

Gia đình chị Trần Thị Hồng Vân (ở Phường 10, quận Phú Nhuận) nhiều ngày qua sau khi đi làm về đều ở trong nhà, mở điều hòa để tránh nóng. Chị Vân chia sẻ, thời tiết oi bức nên các thành viên trong gia đình chị chỉ ra đường khi có công việc. Gia đình chị ở trọ, tiền điện tính theo giá dịch vụ cao hơn bình thường nhưng vẫn phải mở điều hòa dù biết là tốn điện. Chị đã dặn các con tiết giảm các đồ dùng sử dụng điện khác để tiết kiệm điện bù lại thời gian sử dụng điều hòa.

Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm thấp, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ còn cảnh báo người dân đề phòng cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực đông dân. Ngoài ra, nắng nóng còn gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể khi làm việc ngoài trời.

Bác sĩ Trần Văn Tuấn, Phòng khám nhi ở quận Phú Nhuận cho rằng, thời tiết nắng nóng làm cho cơ thể trẻ tiết ra nhiều mồ hôi để giải nhiệt. Vì vậy, trẻ dễ bị mất nước kèm mất điện giải. Nhiệt độ và độ ẩm tăng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Để phòng bệnh, cha mẹ cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý như: bổ sung lượng nước đầy đủ, nhất là những loại nước uống giàu khoáng chất, nhiều vitamin trong trái cây; khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga. Các gia đình cần chế biến và bảo quản thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tạo thói quen rửa tay trước và sau khi ăn cho trẻ, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, giữ môi trường sống trong lành nhằm hạn chế sự lây lan các bệnh truyền nhiễm.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, khi thời tiết nắng nóng cao điểm, người dân cần hạn chế ra ngoài trong khung giờ từ 10 - 16 giờ. Người dân không nên làm việc ngoài trời với thời gian quá lâu và cần trang bị đầy đủ đồ chống nắng, gồm quần áo dài che kín thân thể, áo quần sáng màu để giảm hấp thụ nắng nóng, mũ, nón rộng vành, kính râm…

Dự báo từ đầu tháng 5, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Nam Bộ có thể kết thúc đợt nắng nóng diện rộng với cường độ mạnh nhất năm và mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm 2023 sẽ còn xuất hiện một số đợt nắng nóng khác nhưng cường độ yếu hơn, duy trì ở mức 35-36 độ C.

Hồng Đạt (TTXVN)
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5: Bắc Bộ tạnh ráo, Nam Bộ nắng nóng
Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5: Bắc Bộ tạnh ráo, Nam Bộ nắng nóng

Vào các ngày nghỉ lễ, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ chủ yếu là những ngày tạnh ráo và ít mưa. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ ít mưa, có nơi có nắng nóng về trưa và chiều với nhiệt độ phổ biến khoảng 35-36 độ C; riêng khu vực miền Đông Nam Bộ vẫn xảy ra nắng nóng ở nhiều nơi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN