Trước diễn biến của bão số 9, ngày 22/11, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã ban hành văn bản số 1229/TCKTTV- QLDB chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trực thuộc Tổng cục thực hiện các nhiệm vụ nhằm đối phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết và cơn bão này.
Tối 22/11, tại Trung tâm Điều hành Tác nghiệp khí tượng Thủy văn, Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức Hội thảo trực tuyến về công tác dự báo phục vụ cơn bão số 9 năm 2018. Tham dự cuộc họp trực tuyến có đại diện các đơn vị chuyên môn và nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm các Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Cục Quản lý tài nguyên nước… các đài khí tượng thủy văn khu vực, các đài tỉnh từ Quảng Bình đến Bến Tre, để nhận định và dự báo về cơn bão này.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đưa ra các nhận định chung về diễn biến của cơn bão và những thông tin mới nhất. Cụ thể, khi bão số 9 vẫn còn ở phía Tây quần đảo Trường Sa thì tính tương tác mạnh hơn, tuy nhiên khi vào đất liền khả năng tương tác với không khí lạnh yếu đi và đẩy trôi xuống phía Nam. Theo kịch bản xấu nhất, bão số 9 sẽ dịch chuyển đến các khu vực từ Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu và gây gió mạnh cấp 6-7, nhưng khả năng cơn bão số 9 sẽ dịch chuyển sang hướng Nam vẫn có thể xảy ra.
Từ chiều 23/11, vùng biển từ Khánh Hòa, Bình Định đến khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu gió mạnh cấp 6-7, sáng 24/11 sẽ lên cấp 8, vùng tâm bão lên đến cấp 9-10. Trên đất liền khu vực các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, sáng 24/11 sẽ có gió mạnh cấp 6 và tăng dần lên khi bão dịch chuyển vào đất liền, vùng tâm bão có thể giật cấp 11. So với cơn bão số 8 cường độ không mạnh chỉ lên tới cấp 8, còn cơn bão số 9 cường độ có thể lên tới cấp 9-10. Hơn nữa, vùng ảnh hưởng trên biển và đất liền của hai cơn bão hoàn toàn khác nhau.
Theo đó, tính đến 19 giờ ngày 22/11 bão số 9 di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão ở khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ khoảng 280 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.
Nói về lượng mưa trong các vùng, khu vực ảnh hưởng của bão, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, từ khoảng ngày 24-26/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500 mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to (100-200 mm/đợt). Trọng tâm mưa lớn nhất là lúc kết hợp cả không khí lạnh và bão số 9 trong ngày và đêm 24/11, sẽ tập trung ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Các tỉnh khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ, trước khi bão vào, hầu như không mưa. Ngày 25/11 khi bão đổ bộ, lượng mưa tăng nhưng không cao và sẽ chấm dứt nhanh. Ở khu vực Trung Trung Bộ mưa có thể kéo dài trong 5-7 ngày tới bởi ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, kết hợp với địa hình của dãy Trường Sơn.
Chính vì vậy, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ chủ trì công tác dự báo áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, thông báo đầy đủ kịp thời cho các Đài Khí tượng thủy văn khu vực và các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh để cảnh báo độ rủi ro thiên tai cho địa phương, phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại cho các địa phương.
Ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự báo Thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, nhận định về khả năng xuất hiện lũ trong cơn bão số 9, trong khoảng từ ngày 24-27/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ với lượng mưa từ 200-300 mm/đợt. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên khả năng ở mức báo động 1- báo động 2 và trên báo động 2; các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận ở mức báo động 2- báo động 3 và trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Mưa lớn kết hợp với triều cường sẽ dẫn đến tình hình ngập lụt lớn ở hạ lưu vùng sông Cửu Long.
Chính vì thế, cần chỉ đạo Phòng Dự báo và các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh trực thuộc theo dõi sát mọi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa, lũ đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo các tỉnh để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó và khắc phục hậu quả áp thấp nhiệt đới, bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn; đồng thời gửi bản tin về Tổng cục Khí tượng thủy văn theo quy định để phục vụ công tác đánh giá chất lượng dự báo.