Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ đã yêu cầu, các ngành, đơn vị, địa phương củng cố, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai để khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, hiệu quả. Các đơn vị thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai theo với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.
Với tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai trong năm 2024, UBND tỉnh yêu cầu, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chương trình, đề án, công điện, chỉ thị, kế hoạch, phương án về công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn với tinh thần phòng ngừa là chính, không chủ quan, lơ là.
Các ngành, địa phương lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông, khu dân cư. Đơn vị quản lý, vận hành hồ thủy lợi, thủy điện tăng cường năng lực cắt lũ cho các hồ chứa, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu; đồng thời, có giải pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập.
Cơ quan dự báo thời tiết, thiên tai nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai gây thiệt hại lớn như: bão lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất... Bên cạnh đó, các cơ quan đẩy mạnh xã hội hóa việc lắp đặt hệ thống thiết bị giám sát hành trình trên biển, trạm theo dõi mưa, camera giám sát hồ chứa.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành và tập huấn kỹ năng cho lực lượng tại chỗ; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Công tác cứu nạn, cứu hộ khi có thiên tai xảy ra phải được thực hiện hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức để cộng đồng chủ động ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại. Công tác tuyên truyền được thực hiện đa dạng về hình thức và nội dung, phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương, kịp thời đến người dân khu vực bị ảnh hưởng.
Phú Yên ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư các dự án, công trình phòng, chống thiên tai như: đê kè chắn sóng, nâng cấp tuyến đường bị sạt lở, gia cố hồ đập... Đối với người dân đang sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, các địa phương thực hiện việc bố trí sắp xếp dân cư, hỗ trợ xây dựng nhà tránh bão.
Đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã xảy ra tình trạng hạn hán; trong đó, khoảng 1.500 hộ dân ở huyện Đồng Xuân và huyện Sơn Hòa thiếu nước sinh hoạt. Toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy rừng với tổng diện tích trên 8,6 ha. Từ ngày 18 - 23/5, người dân trong tỉnh bị thiệt hại lớn khi tôm hùm, cá nuôi bị chết hàng loạt do môi trường vùng nuôi thiếu oxy, nắng nóng.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, năm 2024 dự báo có từ 11 - 13 cơn bão trên Biển Đông; trong đó có 5 - 7 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền. Riêng tỉnh Phú Yên chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ 1-2 cơn bão trong thời gian từ tháng 10 - 12/2024.