Thị xã Sông Cầu, huyện Đông Hòa là những địa phương thực hiện công tác chi trả sớm nhất cho các nhóm đối tượng gồm: người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Để nhanh chóng trao tiền đến tận tay người dân, cán bộ cơ sở làm việc không kể ngày nghỉ trên tinh thần đảm bảo quy định, đúng đối tượng và công khai, minh bạch. Sự hỗ trợ kịp thời này đã giúp người dân có điều kiện ổn định cuộc sống trong mùa dịch bệnh.
Là người khuyết tật, ông Nguyễn Văn Cư, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu hàng ngày vẫn mưu sinh bằng nghề sửa xe để nuôi hai con ăn học. Dịch bệnh đã làm công việc ngưng trệ, bởi vậy nhận được tiền hỗ trợ lúc này giúp gia đình ông giải quyết được nhiều khó khăn. Ông vui mừng nói: Từ lúc có dịch bệnh không làm được gì cả nên thu nhập không có. Nhận được hỗ trợ từ Nhà nước là rất quý, giải quyết phần nào khó khăn các chi phí sinh hoạt trong cuộc sống gia đình. Tôi rất cám ơn sự quan tâm, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.
Tại tỉnh Phú Yên, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhóm người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo là những người đầu tiên được thụ hưởng chính sách. Các nhóm đối tượng đã có danh sách và hàng tháng tỉnh vẫn thực hiện chi trả chế độ nên công tác hỗ trợ thuận lợi. Đối với những đối tượng khác, tỉnh Phú Yên sẽ dựa vào hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể.
Theo ông Nguyễn Văn Binh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên: Tỉnh có 8/9 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành việc rà soát và được Ủy ban dân tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ đối với 4 nhóm đối tượng là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo. Theo thống kê của các địa phương có khoảng 144.000 đối tượng bị ảnh hưởng thuộc diện được hỗ trợ. Đến nay một số địa phương đã chi trả tổng số tiền hỗ trợ khoảng 146 tỷ đồng. Thời gian tới, Sở tiếp tục rà soát, thực hiện hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng để thực hiện hỗ trợ theo quy định. Đây là nhóm đối tượng cần có nhiều thông tin để xác định nên sẽ giám sát chặt chẽ, không để xảy ra trục lợi trong thực hiện chính sách.
* Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Thường trực UBND tỉnh chủ trương tạm ứng 127 tỷ đồng để chi hỗ trợ ngay cho người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết 42/NQ-CP, ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ; qua đó, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các chính sách hỗ trợ theo quy định.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu cơ quan chức năng lưu ý rà soát kỹ từng trường hợp thuộc diện được hỗ trợ, tránh việc trùng lắp và phải đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời và không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, tham ô, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm.
Các địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động và người dân lao động trên địa bàn nắm rõ chủ trương của Chính phủ đối với gói hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. UBND các huyện và thành phố Cà Mau tăng cường chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị rà soát nắm cụ thể triển khai thực hiện một số chính sách thuộc các nhóm, lĩnh vực lao động, việc làm quy định tại Nghị quyết số 42 của Chính phủ để doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động và người dân lao động trên địa bàn được biết. Qua đó, nhằm chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời khi có văn bản hướng dẫn thực hiện của cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, cơ quan chức năng tỉnh tăng cường tuyên truyền, giải thích để người bán vé số lẻ đã được hỗ trợ trước đây hiểu rõ về chính sách hỗ trợ, tránh để xảy ra vụ việc yêu cầu, khiếu nại.
Thời gian qua, các đơn vị thuế, Ngân hàng Nhà nước, Điện lực và hệ thống Ngân hàng thương mại, Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đồng hành cùng UBND tỉnh tích cực triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Bước đầu, toàn tỉnh đã có 403 doanh nghiệp và 1 hộ gia đình được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, với số tiền gần 33 tỷ đồng; 1.631 khách hàng được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn với tổng dư nợ khoảng 524 tỷ đồng thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ.
* Ngày 11/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức bàn giao số tiền 5,7 tỷ đồng (đợt 1) hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 và khắc phục hạn mặn cho các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Đây là số tiền do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh vận động từ các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ.
Cụ thể, với số tiền trên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phân bổ cho các đơn vị và địa phương trực tiếp tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, gồm: Sở Y tế 5 triệu đồng; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 1.170 tỷ đồng; Công an tỉnh 819 triệu đồng; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của 9 huyện, thị xã, thành phố mỗi đơn vị 200 triệu đồng.
Nguồn vốn vận động hỗ trợ người dân khắc phục hạn mặn 2,7 tỷ đồng được phân bổ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh chi hỗ trợ mua ống và phụ kiện lắp đường ống cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân bị thiếu nước sinh hoạt; chi hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước cho hộ nghèo và gia đình chính sách bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn chưa có nước sạch sử dụng trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Triết, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh cho biết, qua một tháng phát động toàn dân tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 và hạn hán xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận được hơn 7.788 tỷ đồng; trong đó số tiền các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 là hơn 4.188 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ xâm nhập mặn, nắng hạn kéo dài là hơn 3.618 tỷ đồng.