Việc làm trái pháp luật trên diễn ra gần một tháng nhưng chính quyền huyện, xã vẫn chưa thể giải quyết triệt để .
Trước đó, trong tháng 11/2018, thực hiện kế hoạch ra quân làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn, xã Đăk Trăm đã huy động dân làm đường đi khu sản xuất. Theo dự kiến, các thôn Tê Pên, Đăk Trăm, Tê Rông và Tê Phep huy động dân sửa chữa đường đi vào khu sản xuất chung của 4 thôn, trong đó có đoạn ngầm qua sông Đăk Tờ Kan. Theo đó, 6 hộ dân ở thôn Tê Pên có ruộng bị lũ bồi lấp trước đó đã hiến đất làm đường thay cho đường cũ khó khắc phục. Đá do doanh nghiệp lo, xã hỗ trợ rọ đựng đá dùng kè đường, người dân các thôn tự thi công.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chỉ có người dân thôn Tê Pên tham gia. Lấy lý do các thôn còn lại không tham gia lao động, một số người dân thôn Tê Pên đã tự ý lập trạm “BOT” là hàng rào B40 chắn lối đi lại để chặn xe, thu tiền. Theo đó, mỗi khi có xe tải vào thu mua, chở củ mỳ (sắn) đi qua trạm, nếu không có người trực, tài xế phải gọi điện liên hệ với người của thôn mới được mở rào chắn vào. Mỗi xe qua trạm, tài xế phải nộp cho người của thôn 300.000 đồng/lượt. Theo lý giải của người dân, việc thu phí là để bù đắp chi phí cho người dân đã bỏ ra sửa chữa đường vào khu sản xuất của 4 thôn. Người đứng gác trực, thu tiền đều là cán bộ thôn Tê Pên. Theo các tài xế chở củ mỳ, khi vào vụ thu hoạch củ mỳ , mỗi ngày có cả chục lượt xe ra, vào phải qua trạm “BOT” này.
Trước sự việc trên, chính quyền xã Đăk Trăm đã yêu cầu anh A Chinh, trưởng thôn Tê Pên không được tự ý lập trạm, chặn xe thu tiền và dỡ rào chắn. Đến ngày 28/11, UBND xã Đăk Trăm tiếp tục mời trưởng thôn, phó thôn (anh A Hạnh), anh A Noel (Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Tê Pên) và ông Nguyễn Trí (đại diện Trạm thu mua nguyên liệu của Nhà máy tinh bột sắn Đăk Tô) làm việc, để giải quyết việc người dân tự ý lập trạm “BOT” chặn xe thu tiền.
Tại đây, sau khi thảo luận, UBND xã Đăk Trăm khẳng định việc người dân thôn Tê Pên tự ý lập rào chắn, chặn xe thu tiền là vi phạm pháp luật. Trước sự việc trên, các bên nhất trí để ông Nguyễn Trí hỗ trợ 6 hộ dân đã hiến đất (mỗi hộ là 3 triệu đồng) và tiền công cho người dân trong thôn làm ngầm tạm. Tuy nhiên, sau đó các hộ dân hiến đất đã đổi ý. Cụ thể, các hộ dân hiến đất đã dời trạm “BOT” vào sâu bên trong khoảng 500 mét thuộc phần đất các hộ dân này đã hiến, để thu tiền, khiến các phương tiện vận tải không thể vận chuyển nông sản qua lại đoạn đường trên.
Ngày 11/12, báo cáo về vụ việc (số 190/BC-UBND), UBND xã Đăk Trăm khẳng định: UBND xã tiếp tục mời các bên liên quan để làm việc và xử lý. Tuy nhiên, mấy ngày qua, các hộ dân có liên quan vắng mặt khỏi địa bàn xã, do đó chưa làm việc để giải quyết dứt điểm vụ việc được.
Chính quyền huyện Đăk Tô cần sớm giải quyết dứt điểm tình trạng dân tự ý lập trạm “BOT” thu tiền.