Việc chính quyền địa phương không sớm giải quyết rõ ràng đang khiến những hộ dân này rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, đầu tư chăm sóc cây cà phê tiếp hay bỏ không?
Theo kiến nghị, 18 hộ dân đã ổn định canh tác tại thôn 8, xã Hòa Bình, Tthị xã Kon Tum (nay là thôn 2, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) từ năm 1978. Đến năm 1999, những hộ dân này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời gian đến năm 2049 với tổng diện tích hơn 8,4 hecta. Những hộ dân trên đã thực hiện nộp thuế nông nghiệp hằng năm trên diện tích đất này cho Chi cục Thuế thành phố Kon Tum.
Năm 2001, tại khu vực này, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã tiến hành cấp đất cho Quân khu V, số diện tích này nằm giáp ranh với diện tích đất của 18 hộ dân trên. Đến năm 2005, tỉnh Kon Tum phê duyệt thành lập Khu Công nghiệp Sao Mai tại thôn 2, xã Hào Bình. Để hình thành Khu công nghiệp Sao Mai, hàng chục hecta đất tại khu vực đèo Sao Mai (thuộc xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) được thu hồi, trong đó có 18 hộ dân trên. Điều đáng nói, những diện tích của 18 hộ dân này chỉ được đền bù hoa màu, nông sản trên đất, không được đền bù đất với lý do “đất của Quốc phòng”.
18 hộ dân nằm trong diện quy hoạch đã làm đơn trình lên các cấp. Năm 2007, Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum mời các hộ dân không nằm trong diện đền bù đến giải quyết với lời hứa sẽ bố trí, chuyển đổi cho các hộ dân bị thu hồi đến thôn 4, xã Hòa Bình sinh sống, canh tác. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có 5 hộ được đền bù thỏa đáng, 13 hộ còn lại vẫn đang phải làm công việc không ai muốn - đi kiện dù Khu Công nghiệp Sao Mai đã được thành lập hơn 12 năm.
Theo bà Đặng Thi Tuyết Vân (có diện tích đất bị thu hồi) cho hay: "Theo chúng tôi được biết, tại khoản 1 điều 75, Luật đất đai 2013 quy định: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có sổ đỏ, khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế sẽ được bồi thường, chuyển đổi vị trí đất phù hợp. Thế nhưng đến nay, sau hàng chục năm trời, chúng tôi vẫn chưa được cấp đất mới hay được chuyển đổi vị trí canh tác. Tôi mong rằng chính quyền địa phương mau chóng xử lý dứt điểm để bà con ổn định canh tác".
Ông Đặng Ngọc Quý, thôn 2, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum mong muốn chính quyền giải quyết công minh, nhanh gọn, không để sự việc kéo dài. Người dân không dám bỏ vốn đầu tư, cà phê vẫn bỏ không. Đất đã được người dân canh tác từ lâu, được cấp sổ đỏ, trong khi diện tích đất quốc phòng nằm cách xa diện tích đất của người dân nhưng chính quyền lại bảo đất chồng lấn?
Sự việc đã kéo dài nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được ngành chức năng giải quyết dứt điểm. Động thái mới nhất của tỉnh Kon Tum là ngày 26/9 ban hành văn bản tiếp tục giao Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các ngành, đơn vị liên quan rà soát, xác minh cụ thể nguồn gốc đất sử dụng của từng hộ gia đình, cá nhân từ trước đến nay được xác định là sử dụng đất Quốc phòng tại khu vực Sao Mai (kể cả các hộ sử dụng đất trong phạm vi thu hồi thực hiện các dự án và các hộ sử dụng đất ngoài dự án). Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ cơ sở pháp lý của việc kiến nghị áp dụng quy định khoản 9 Điều 8 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ để lập thủ tục bồi thường về đất đối với diện tích đất thuộc quy hoạch đất Quốc phòng. Trên cơ sở kết quả xác minh nguồn gốc sử dụng đất của Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể, hạn hoàn thành trước ngày 12/10/2019.