Lực lượng chức năng Lai Châu đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Ảnh: Quý Trung/TTXVN |
Trận mưa lũ từ ngày 23 - 26/6 đã gây nhiều thiệt hại ở tỉnh Lai Châu; trong đó, huyện Sìn Hồ là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất về người và tài sản. Toàn huyện có 11 người chết, 6 người mất tích, gần 500 hộ dân bị ảnh hưởng, 28 con trâu, 150 con gia súc khác, 5000 con gia cầm, hơn 600 ha hoa màu bị thiệt hại; tổng thiệt hại ước tính hơn 97 tỷ đồng.
Huyện Sìn Hồ có địa hình khá đặc thù, chia cắt mạnh, chia làm hai khu vực, Sìn Hồ cao và Sìn Hồ thấp. Tại những xã, thôn bản bị thiệt hại nặng, đường đi rất khó khăn, các cấp, các ngành từng bước nỗ lực khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống người dân. Sau mưa lũ lượng bùn đất, cây cối, rác thải, xác động vật chết rất nhiều, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh môi trường, bùng phát dịch bệnh rất lớn, nhất là tại các khu dân cư.
Trước thực trạng này Trung Tâm y tế huyện Sìn Hồ đã tiến hành tiêu độc khử trùng, đảm bảo vệ sinh môi trường sống cho người dân. Các cán bộ của trung tâm chia làm hai mũi xuống các địa phương phun thuốc, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường sau mưa lũ.
Anh Quách Thành Luân, Đội Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cho biết: Sau mưa lũ đội y tế dự phòng huyện phân công lực lượng, một mũi ở vùng cao và một mũi ở vùng thấp.
Trước mắt, trung tâm ưu tiên xử ý tại những địa bàn xảy ra ngập và những địa bàn mà bị ô nhiễm nguồn nước về sinh hoạt. Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, các cán bộ y tế đã khử khuẩn nước sinh hoạt bằng Cloramin B, đồng thời phun Cloramin B ở những nơi bị ngập, để phòng dịch bệnh sau lũ có thể xảy ra.
Huyện Sìn Hồ đã lập các tổ chuyên môn xử lý môi trường; xuống nhà từng hộ dân hướng dẫn cách ăn chín uống sôi, hướng dẫn người dân tiệt trùng nước uống, nước sinh hoạt bằng viên Cloramin B. Đây là biện pháp hiệu quả khi nguồn nước bị ô nhiễm và bị chia cắt dài ngày.
Theo bác sỹ Hoàng Việt Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, ngay sau mưa lũ, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức lực lượng tiến hành khử trùng tiêu độc cho tất cả những điểm bị ngập lụt. “Với phương châm nước rút đến đâu tiến hành tiêu độc, khử trùng đến đấy, các cán bộ y tế hướng dẫn người dân sử dụng viên Cloramin B để khử nước, khơi thông cống rãnh thoát nước, chuồng trại, phòng chống dịch bệnh xảy ra”, bác sỹ Hoàng Việt Bắc nhấn mạnh.