Xin ông đánh giá hiệu quả công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn đang được lực lượng Cảnh sát Giao thông triển khai tại các địa phương?
Lực lượng Cảnh sát Giao thông thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Bộ Công an cũng như Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về xử lý vi phạm nồng độ cồn.
Chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, rà soát các tuyến, địa bàn, các tụ điểm ăn nhậu, nhà hàng, đưa ra đánh giá và tập trung các lực lượng để đưa vào địa bàn đó thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát. Trong thời gian một tháng thực hiện thí điểm vừa qua, chúng tôi đã xử phạt hơn 5.000 trường hợp vi phạm.
Trong hơn 5.000 trường hợp vi phạm đó có nhiều thành phần, chúng tôi đang tổ chức phân loại, xác minh và sẽ thực hiện đúng, nghiêm theo Chỉ thị 23 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, xác minh và thông báo vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức về cơ quan, đơn vị chủ quản để có biện pháp phối hợp quản lý, xử lý.
Có thể nói, vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ngày càng phức tạp. Cục Cảnh sát Giao thông có phương án gì để đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm?
Chúng tôi phối hợp với công an các địa phương đẩy mạnh các hoạt động, biện pháp nghiệp vụ liên quan, từ khâu tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tiếp tục đưa các chuyên đề cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Xác định là phải đánh trúng để kiềm chế các hành vi vi phạm, ví dụ như nồng độ cồn, tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, vượt đèn đỏ, chở quá tải, tránh vượt không đúng quy định. Đó là những nguyên nhân chúng tôi đánh giá có nguy cơ cao làm mất an toàn giao thông.
Trong 9 tháng năm 2023, cơ bản các địa phương đã tập trung kiềm chế tai nạn giao thông. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, con số về tai nạn giao thông được kiểm soát, kiềm chế, làm giảm số người chết, số người bị thương, chúng tôi rất cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ liên quan, có thể phối hợp trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông, trong quy hoạch đô thị, giải phóng điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, giải phóng lòng lề đường, kiểm soát chất lượng của phương tiện... Đó là tổng hợp các biện pháp để kiểm soát được tình hình trật tự, an toàn giao thông. Lực lượng Công an sẽ tăng cường kiểm soát theo chức năng, nhiệm vụ của mình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Một vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận là tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật về giao thông ngày càng gia tăng. Cục Cảnh sát Giao thông có biện pháp, chuyên đề gì để xử lý tình trạng này, thưa ông?
Thời gian qua, có hiện tượng thanh, thiếu niên tổ chức đua xe, lạng lách, đánh võng, bốc đầu, cầm dao, vũ khí thô sơ di chuyển trên đường, sau đó quay video đưa lên Tiktok, lên mạng xã hội để câu like, câu view, thậm chí dạy cho giới trẻ cách đánh võng, điều khiển xe khi nằm trên xe, gây ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ. Ngay như vừa qua, có cả những diễn viên, người mẫu nổi tiếng cũng có những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. Chúng tôi đã phối hợp cùng Công an TP Hồ Chí Minh xử lý kịp thời.
Câu chuyện đặt ra là gì? Đưa những hình ảnh vi phạm pháp luật để câu like, câu view là những tư duy sai lầm của giới trẻ. Chúng tôi xác định phải xử lý tận gốc của vấn đề và sẽ có biện pháp kiểm soát các hiện tượng lạ, các trang mạng để tìm ra những đối tượng, những nhóm có hành vi liên quan đến tổ chức đua xe, cá độ, lạng lách, đánh võng.
Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với công an các địa phương xử lý rất nghiêm, tất cả đều đã xử lý hình sự, khởi tố tội gây rối trật tự công cộng. Ví dụ như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Nguyên đã làm rất nghiêm.
Vụ "ông già Noel" ở Thái Nguyên điều khiển phương tiện bằng một bánh, lạng lách, đánh võng, hay vụ hai vợ chồng đi xe máy "diễn xiếc" trên đèo Hải Vân (Đà Nẵng), các vụ tụ tập đua xe lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng ở Bắc Ninh, Bắc Giang… chúng tôi đều đưa ra đánh giá, xử lý nghiêm, khép vào tội gây rối trật tự công cộng.
Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan truyền thông để tuyên truyền những hoạt động xử lý của các đơn vị chức năng, các địa phương, qua đó tạo nên thói quen chấp hành pháp luật tốt hơn.
Chúng tôi khuyến cáo các gia đình quản lý chặt con em mình, tránh trường hợp như hiện nay có những gia đình thiếu quản lý, dẫn đến các cháu sử dụng phương tiện tham gia giao thông, tham gia vào các tổ chức hội, nhóm và không kiểm soát được hành vi, vô tình trở thành tội phạm.
Liên quan đến tình hình trật tự, an toàn giao thông, thời gian qua có khá nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải, gần đây nhất là vụ tai nạn của Công ty Thành Bưởi. Ông có thể chia sẻ về trách nhiệm của cơ quan quản lý ở địa phương trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông?
Có thể thấy, lãnh đạo các địa phương, Công an, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố đều quan tâm tăng cường công tác quản lý nhà xe, các doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa. Chúng tôi xác định cùng phối hợp với các địa phương để kiểm soát liên tuyến.
Ví dụ như các nhà xe lưu thông trên tuyến quốc lộ 20, Công an tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng đã có phối hợp và thực hiện những giải pháp để ký cam kết giữa hai đơn vị. Cục Cảnh sát Giao thông sẽ tham gia vào điều hành liên tuyến. Tôi muốn nói rằng, chúng tôi cũng rất cần sự tham gia của nhân dân trong tố giác các hành vi phạm. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận, xác minh làm rõ và xử lý nghiêm.
Trân trọng cảm ơn Đại tá!