Lập 'hàng rào' ngăn thực phẩm bẩn

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, người tiêu dùng càng quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Mặc dù các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực kiểm soát, song tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc vẫn xâm nhập vào thành phố vẫn còn.

``````````````````````````````````````````````````````

Chế biến thực phẩm không đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tại số nhà 4B đường Trung Mỹ Tây 13, tổ 82, khu phố 3, phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, do ông Nguyễn Văn Quảng làm đại diện. Ảnh: TTXVN phát

Đến hẹn lại… lo

Để chuẩn bị thực phẩm cho những ngày Tết, ngay từ đầu tháng Chạp, chị Mai Thị Thanh Hải, ngụ Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt mua thực phẩm từ những mối hàng quen biết. Lý giải vì sao không mua thực phẩm ngay tại thành phố dù các kênh phân phối khá đa dạng, chị Hải cho biết, chị chưa hoàn toàn yên tâm với chất lượng thực phẩm bán trên thị trường bởi cơ quan chức năng vẫn liên tục phát hiện nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng.

Không yên tâm là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng khi mua sắm thực phẩm trong dịp này. Càng đến những ngày giáp Tết, nguồn thực phẩm đổ về Thành phố Hồ Chí Minh càng nhiều nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tại các chợ đầu mối của thành phố, mỗi đêm, lượng thực phẩm đổ về tăng cao. Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ thực phẩm khác cũng theo các con đường tiểu ngạch về thành phố.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã kiểm soát rất chặt thực phẩm "đầu vào" ở ba chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức với phương châm: Cương quyết không cho thực phẩm không có nguồn gốc vào chợ. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng, đáng lo nhất là thực phẩm bán tại các chợ, điểm bán tự phát được vận chuyển vào thành phố bằng con đường tiểu ngạch.

Thực tế, những ngày này nhiều cửa hàng di động bán thực phẩm đã xuất hiện dọc các tuyến đường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ cần bước chân ra đường là người tiêu dùng có thể mua được từ trái cây các loại đặc sản đến thịt gia súc, gia cầm sống…

Chợ tự phát ở khu vực hầm chui Tân Tạo nằm trên Quốc lộ 1, quận Bình Tân những ngày cận Tết trở nên tấp nập bởi bên cạnh  các điểm bán quần áo, giày dép còn có nhiều điểm bán thực phẩm và cả gia cầm sống. Đang chọn gà để chuẩn bị đón Tết, anh Phạm Bá Chiến, công nhân Công ty Pouyen cho hay, gà ở đây còn sống lại được bán với giá khá rẻ chỉ 100.000 đồng/kg nên thu hút nhiều người mua. Mặc dù không biết nguồn gốc nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn "tặc lưỡi" cho qua.

Tương tự, các tuyến đường như Tỉnh lộ 10, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng… những ngày cuối năm cũng trở nên nhộn nhịp bởi nhiều điểm bán trái cây, đặc sản, gia cầm sống tự phát" mọc lên". Theo những người bán hàng, thực phẩm ở đây được thu mua từ các tỉnh Long An, Tiền Giang với lời hứa...bằng miệng chắc nịch “ngon, rẻ, an toàn”.

Khu vực bên ngoài chợ đầu mối Bình Điền, những ngày cận Tết cũng nhộn nhịp không kém bên trong chợ. Hàng đêm, xe tải từ các tỉnh miền Tây đổ hàng bày bán ngay trên lòng đường mà không có sự kiểm soát về an toàn thực phẩm.

Lập “hàng rào” ngăn thực phẩm bẩn

Trong ảnh: 2 container chứa gần 27 tấn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ do ông Lê Đình Sơn làm chủ hàng bị bắt giữ. Ảnh: TTXVN phát

Hơn một tháng qua, 12 đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hết công suất; liên tiếp phát hiện, thu giữ, tiêu hủy lượng lớn thực phẩm không đảm bảo an toàn; ngăn chặn kịp thời, không để số thực phẩm này bị "tung" ra thị trường.

Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho hay, đơn vị đã tăng cường kiểm tra rau, củ quả, thịt, tôm, cá… từ các tỉnh đưa vào những chợ đầu mối và kiểm tra tại các cơ sở chế biến, sản xuất thực phẩm hàng ngày trên địa bàn. Ngoài ra, đơn vị cũng chú ý việc kiểm tra những mặt hàng thực phẩm nhập khẩu, kiểm tra kỹ giấy tờ, hồ sơ nguồn gốc.


Bên cạnh đó, đối với 240 chợ truyền thống thuộc sự quản lý của UBND các quận, huyện, phường, xã, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đề nghị các địa phương giám sát chặt chất lượng của các thực phẩm được bày bán tại chợ. Địa phương nào buông lỏng quản lý, để thực phẩm không rõ nguồn gốc, mất an toàn được bày bán, cơ quan chức năng sẽ báo cáo UBND thành phố xử lý nghiêm minh.

Cùng với Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức thanh, kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm bẩn vào thành phố. Từ đầu năm 2018 đến nay, ba đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện 8 trường hợp vận chuyển thịt gia súc, gia cầm từ các tỉnh vào thành phố tiêu thụ nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch, phương tiện vận chuyển không đảm bảo...

Tại 4 trạm kiểm dịch động vật ở  các cửa ngõ thành phố là Thủ Đức, Xuân Hiệp, Hóc Môn, An Lạc, lực lượng chức năng đã xử lý 10 trường hợp vận chuyển thịt gia súc, gia cầm không có chứng nhận kiểm dịch từ các tỉnh vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng Phòng Thanh tra, Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong những ngày giáp Tết, 4 trạm kiểm dịch động vật của thành phố làm việc hết công suất nhằm hạn chế tối đa thực phẩm bẩn "tuồn" vào thành phố. Tuy nhiên, nhiều thương lái lại "né" trạm kiểm dịch bằng cách đi đường cao tốc hoặc luồn lách vào các đường nhỏ.

Để ngăn chặn thực trạng trên, Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông và Quản lý thị trường chốt chặn ở những tuyến đường xe khách lưu thông và đường cao tốc để kiểm tra nếu có dấu hiệu nghi vấn.

Đinh Hằng (TTXVN)
Sẽ kiểm tra đột xuất an toàn thực phẩm dịp Tết
Sẽ kiểm tra đột xuất an toàn thực phẩm dịp Tết

Bộ Nông nghiệp sẽ cử 6 - 7 đoàn đi thanh kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán. Các đoàn kiểm tra đột xuất, tập trung vào các loại thực phẩm có nguy cơ cao vi phạm như: tiêm thuốc an thần vào lợn, bơm nước vào lợn, bơm tạp chất vào tôm, ớt bột bị nấm mốc…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN