Sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Lâm Đồng xuất hiện mưa kéo dài trong mấy ngày qua. Rạng sáng 15/7, sạt lở đất đã xảy ra tại xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) làm nhà dân bị vùi lấp, 1 người thiệt mạng, 3 người may mắn thoát nạn.
Vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 4 giờ ngày 15/7, tại thôn Trung Tâm (xã Đạ K’Nàng). Một lượng lớn đất đá từ taluy phía sau nhà ông Đặng Quang Lành sạt lở, đẩy cả căn nhà về phía trước. Thời điểm xảy ra vụ việc, cả gia đình ông Lành gồm 4 người đang ngủ. Lượng đất đá lớn vùi lấp căn nhà khiến vợ ông Lành (bà Ng.T.T. sinh năm 1984) tử vong tại chỗ, ông Lành và hai người con may mắn thoát ra kịp, không bị thương tích.
Ngay khi phát hiện vụ việc, người dân xung quanh đã báo chính quyền địa phương và phối hợp cùng lực lượng chức năng giải cứu các nạn nhân. Đoàn Kinh tế Quốc phòng Lâm Đồng (thuộc Quân khu 7) đóng gần khu vực xảy ra vụ sạt lở đã nhanh chóng huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ cùng xe cơ giới đến hiện trường thực hiện cứu hộ.
Vào khoảng 3 giờ 45 phút ngày 13/7 tại km 10 + 950, Quốc lộ 34 (đường Hà Giang đi Cao Bằng) thuộc địa phận thôn Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng vùi lấp xe ô tô khách 16 chỗ biển kiểm soát 29E-024.89 (loại xe Ford Transit) của Hợp tác xã Ngọc Hạnh.
Khi xe ô tô đang di chuyển đến đoạn Km11, xã Yên Định, huyện Bắc Mê thì gặp sạt lở nhẹ khiến mắc kẹt. Hàng nghìn m3 đất đá bất ngờ sạt lở xuống vùi lấp 2 chiếc xe ô tô và nhiều người tại đây. Suốt từ 4 giờ 30 phút sáng đến chiều tối 13/7, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã đưa được 15 nạn nhân trong vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại km 11 Quốc lộ 34 Hà Giang - Bắc Mê ra ngoài, trong đó có 11 người chết, 4 người bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.
Thiên tai diễn biến phức tạp, vì vậy các bộ, ngành, địa phương cần chủ động theo dõi sát tình hình dự báo, cảnh báo của Cơ quan khí tượng thủy văn Quốc gia và thực tế tại địa phương để chủ động ứng phó.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, hiện áp thấp nhiệt đới đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10 km/h, sức gió mạnh cấp 6 (39 - 49 km/h), giật cấp 8. Đến khoảng 7 giờ ngày 16/7, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/h và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu áp thấp, từ ngày 15 - 17/7, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa phổ biến 50 - 100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa phổ biến 70 - 150mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Vùng núi Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và phía Nam Tây Nguyên đề phòng khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Chú trọng dự báo, cảnh báo sớm
Nhằm nâng cao năng lực giám sát thiên tai, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai nhất là lũ quét, sạt lở, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo đơn vị chức năng thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn, nâng cao năng lực giám sát thiên tai, tăng thời hạn và nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai nhất là lũ quét, sạt lở.
Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, trong đó, quy định cụ thể về điều kiện ban hành, nội dung bản tin, chế độ truyền phát tin, cấp độ rủi ro do thiên tai.
Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật về quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung đầu tư thiết bị, công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu tự động đối với mạng lưới trạm khí tượng bề mặt, khí tượng trên cao, thủy văn, hải văn; bổ sung mạng lưới trạm đo mưa tự động, đặc biệt tại những nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt như miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên và sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực Nam Bộ; hoàn thiện hệ thống tích hợp dữ liệu khí tượng thủy văn tập trung…
Cùng với đó là phát triển và hiện đại hóa công nghệ dự báo khí tượng thủy văn, nghiên cứu ứng dụng giải pháp công nghệ hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, lũ, lũ quét, sạt lở đất; tăng thời hạn và mức độ chi tiết dự báo, cảnh báo thiên tai và thời tiết hàng ngày.
Công tác dự báo, cảnh báo sớm đã được chú trọng, trước mỗi đợt thiên tai có nguy cơ gây tác động lớn như hạn hán, bão, mưa lớn, ngập lụt diện rộng, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia chủ động có công văn gửi thông tin nhận định sớm về tình hình thiên tai đến Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai để cung cấp thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa và thuê dịch vụ nhằm bổ sung mạng lưới trạm đo mưa tự động, đặc biệt tại những nơi thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 7/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, dự kiến đến 2025 sẽ hoàn thành các bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai, sản phẩm của nhiệm vụ sẽ hỗ trợ công tác phòng, chống thiên tai và công tác quy hoạch...
Để ứng phó tình trạng sạt lở đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là công tác theo dõi, cảnh báo, dự báo sớm các đợt thiên tai; cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo cho Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản… Đặc biệt, căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng các đề án cụ thể điều tra chi tiết các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá.
Có thể nhận thấy, sau vụ sạt lở đất mới đây gây hậu quả nghiêm trọng, nên chăng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tăng cường khuyến cáo các phương tiện tham gia giao thông không nên đi vào ban đêm, đặc biệt trong mùa mưa bão. Nếu các cơ quan chức năng thấy tình hình giao thông, bờ kè, thiên tai... không an toàn thì thực hiện lệnh cấm người và phương tiện đi qua khu vực nguy hiểm này, đặc biệt là ban đêm. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống...