Lực lượng chức năng thu giữ phân bón giả tại thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ảnh: Phạm Kha/TTXVN |
Thiệt hại 60.000 tỷ đồng mỗi nămCả nước có tới 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón với sản lượng khoảng 11 triệu tấn và hơn 4 triệu tấn nhập khẩu mỗi năm. Tuy nhiên, trong số này có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động không có giấy phép, hay sản xuất bằng “công nghệ cuốc xẻng” tuồn phân bón giả, phân bón kém chất lượng ra thị trường đang khiến cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi.
Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy cho biết, trong khi nông nghiệp Việt Nam là ngành kinh tế quan trọng thì phân bón Việt Nam lại phát triển tự phát. Từ việc quản lý đến sản xuất, phân phối hiện đang lộ nhiều bất cập.
Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Thanh cũng thừa nhận, thị trường phân bón trong nước quá phức tạp, phân bón giả, kém chất lượng, bao bì nhãn mác mập mờ đang làm “méo mó” và gây khó cho cơ quan quản lý thị trường.
Theo tính toán, nền kinh tế thiệt hại mỗi năm khoảng 60.000 tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD) do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra.
Trong số 9.000 loại phân bón đang có mặt trên thị trường, có nhiều sản phẩm không đạt chất lượng như đăng ký với cơ quan chức năng. Mặc dù, các đơn vị đăng ký sản xuất phân bón đều cam kết hàm lượng NPK là 53%, nhưng qua kiểm tra, phân tích, hầu hết hàm lượng này đều chưa tới 10%, còn lại đều là bột đá vôi, xỉ than.
Ông Nguyễn Hạc Thúy cho hay, sau khi tổ chức hội thảo “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam” và để tạo được bước đột phá mạnh trong đấu tranh, lập lại thị trường phân bón Việt Nam, Hiệp hội đã có công văn 190/CV-2017 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan cho tổng kiểm tra thị trường và hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh phân bón tại 63 tỉnh thành trên cả nước. Việc tổng kiểm tra này nhằm tránh thiệt hại lớn vì vấn nạn phân bón giả với hàng chục triệu hộ nông dân và nền nông nghiệp Việt Nam.
Tại công văn này, Hiệp hội Phân bón Việt Nam nêu rõ, trong đợt cao điểm kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón điểm tại huyện Bình Chánh và 24 quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh do Văn phòng thường trực 9 quốc gia phối hợp với UBND thành phố tổ chức cho thấy, trong số 56 cơ sở sản xuất phân bón thuộc diện điều tra, chỉ có 36 cơ sở có giấy phép, còn 20 cơ sở không có giấy phép hoạt động nhiều năm và vi phạm về hợp quy, nhãn mác…
UBND TP Hồ Chí Minh đã lập hồ sơ, nếu cố tình vi phạm và đủ điều kiện sẽ đề nghị xử lý hình sự với các cơ sở không có giấy phép; khởi tố 3 cơ sở với 17 bị can, 13 vụ xử phạt hành chính...
Theo ông Thúy, "đây mới chỉ là kết quả kiểm tra điểm ở một quận đã phát hiện được kết quả trên. Nếu kiểm tra 63 tỉnh thành thì cho kết quả xấu biết bao. Nhiều năm qua, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng đã gây thiệt hại cho hàng chục triệu hộ nông dân, cho nền nông nghiệp Việt Nam… mà nhiều năm qua, cơ quan quản lý thỉnh thoảng hô hào rồi cho vào quên lãng".
Chẳng hạn, vụ phát hiện sản xuất phân bón giả của Công ty cổ phần Thuận Phong tại Đồng Nai, địa phương họp 2-3 lần, Văn phòng Chính phủ họp 2 lần, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình điều hành phiên họp ngày 11/11/2016 mới kết luận được là doanh nghiệp này có dấu hiệu sản xuất, buôn bán phân bón giả và giao cho Bộ Công an xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/3/2017 nhưng tới nay việc này vẫn chưa xử lý xong.
Phân bón được niêm phong trong kho của Công ty Thuận Phong (Đồng Nai) đã chuyển màu, đông thành từng khối, rêu mốc. Ảnh: Công Phong/TTXVN |
3 đợt cao điểm kiểm traThực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, ngày 1/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 636/QĐ-BCT phê duyệt kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017.
Theo Bộ Công Thương, mục đích của đợt kiểm tra cao điểm này nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ trong việc duy trì và thực hiện các điều kiện sản xuất phân bón theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, gia công phân bón vô cơ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn, xử lý nghiêm các doanh nghiệp sản xuất không có giấy phép nhằm trốn tránh pháp luật.
Đặc biệt, là phát hiện những bất cập trong công tác quản lý phân bón nói chung, phân bón vô cơ nói riêng để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định hiện hành về quản lý phân bón.
Theo đó, thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 15/3 đến tháng 9/2017; trong đó, đợt kiểm tra thứ nhất từ ngày 15/3 đến ngày 15/4; đợt thứ hai từ ngày 1/5 đến tháng 7 và đợt kiểm tra thứ 3 từ cuối tháng 8 đến tháng 9.
Trong đợt kiểm tra thứ nhất, các chi cục quản lý thị trường sẽ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn; phát hiện kiểm tra doanh nghiệp không hoặc chưa được cấp Giấy phép sản xuất phân bón vẫn hoạt động sản xuất. Đợt kiểm tra thứ hai, các chi cục tiếp tục kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra của Bộ do Cục Quản lý thị trường chủ trì kiểm tra trực tiếp một số tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ tại một số địa bàn trọng điểm. Đợt kiểm tra thứ ba, các chi cục kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ còn lại trên địa bàn. Đoàn kiểm tra của Bộ sẽ kiểm tra chéo công tác kiểm tra của một số chi cục tại một số địa bàn trọng điểm.
Theo yêu cầu của Bộ trưởng, hoạt động kiểm tra cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra phải gắn liền với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ.
Các đánh giá kết luận cần phản ánh đúng thực tế, khách quan, trung thực, đảm bảo công bằng. Trên cơ sở đó, cần rút ra những bài học, vấn đề trong chỉ đạo, điều hành để kiến nghị đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi các quy định của pháp luật về quản lý mặt hàng này.