Là Đồn Biên phòng đóng quân ở vị trí xa nhất, trên địa bàn khó khăn nhất nhưng những người lính mang quân hàm xanh nơi đây luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của chính quyền và đồng bào các dân tộc.
Đồn biên phòng Ga Ry nằm ở cực Tây của tỉnh Quảng Nam. |
Từ xã Axan, con đường bê tông vắt ngang qua những con dốc, uốn lượn dần lên “cổng trời” đưa chúng tôi tới thăm Đồn Biên phòng Ga Ry. Con đường này được nhiều người gọi là đường lên “cổng trời” bởi vào thời điểm cuối năm có thể nhìn thấy những núi mây bồng bềnh trải dài tít tắp ôm lấy những đỉnh núi nhấp nhô. Đồn Biên phòng Ga Ry nằm trên một quả đồi cao, từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát một vùng rừng núi biên cương rộng lớn. Nằm ở dưới chân đồn là những bản làng của đồng bào Cơ tu - dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu tại đây.
“Do đơn vị nằm ở xa, nhiều đồng chí trong đơn vị có khi tới nửa năm mới xuống núi để về thăm gia đình. Mỗi khi có đoàn công tác ghé thăm, anh em chiến sĩ vui mừng lắm”, Thượng tá Dương Đệ Châu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry chia sẻ. Nhớ lại những ngày khó khăn trước đây, anh cho biết, từ trung tâm huyện miền núi Tây Giang đi lên hai xã vùng biên Ch’ơm và Ga Ry phải phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu trời mưa, hầu như mọi phương tiện không thể vượt qua được con đường đất lầy lội dài hàng chục cây số. Hàng hóa, lương thực thiết yếu cung cấp cho Đồn phải phụ thuộc vào ngựa thồ. Những năm gần đây, nhiều con đường rải nhựa, bê tông tiến lên vùng biên được đầu tư xây dựng đã giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn rất nhiều.
Hàng tháng, cán bộ chiến sĩ của Đồn tổ chức tuần tra khu vực đường biên hai lần. Mỗi chuyến đi kéo dài nhiều ngày, các chiến sĩ phải chuẩn bị chu đáo từ quân tư trang, lương khô, thuốc men, vật dụng nấu ăn… Bên cạnh đó, Đồn thường xuyên phối hợp với lực lượng Biên phòng nước bạn Lào tiến hành tuần tra chung, góp phần giữ gìn đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước. Đại úy Đoàn Quốc Việt, Đội trưởng Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Ga Ry cho biết, tuyến đường tuần tra rất khó đi, việc bị vắt cắn hay ruồi vàng chích là chuyện thường ngày đối với các chiến sĩ. Vào mùa mưa, việc đi tuần càng vất vả hơn khi vật dụng mang theo đều bị ướt hết, không thể nhóm lửa để sưởi ấm và nấu ăn, mọi người phải ăn mỳ tôm sống hoặc lương khô, uống nước suối cho qua bữa.
Ở các bản làng vùng biên, mỗi khi có cán bộ, chiến sĩ Biên phòng về bản mọi người đón như những người thân trong gia đình. Ngồi bên bếp lửa, già làng Alăng Nhắp, ở thôn Dading 1, xã Gary vui vẻ nói: Ở nơi vùng biên này, Bộ đội Biên phòng với bà con gắn bó như “cá với nước”. Những ruộng lúa nước bậc thang ở các thôn quanh vùng đều do cán bộ Biên phòng xuống hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho bà con. Cuộc sống của đồng bào vùng biên bây giờ khác trước rất nhiều, không còn cảnh thiếu đói vào mùa giáp hạt, có trạm y tế để bà con đến khám bệnh, có trường học khang trang cho con trẻ học chữ.
Với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Ga Ry, bà con hai xã Ch’ơm và Ga Ry đi đầu trong phát triển kinh tế vườn đồi, trồng các loại cây ăn quả như cam, chanh, táo mèo, cây mắc ca, cây dược liệu… mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của người dân. Phó Chủ tịch UBND xã Ch’ơm Bríu Hồ cho biết, trước đây theo tập quán, bà con Cơ tu thường sinh sống phân tán sâu trong rừng, đường đi lại tới các thôn bị cách trở nên có nhiều hủ tục. Nhờ sự phối hợp kiên trì của cán bộ Biên phòng và chính quyền địa phương, những hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, tình trạng tảo hôn đã dần được xóa bỏ. Những đám cưới ở trong xã không còn có phần đòi của từ nhà gái đối với nhà trai, không tổ chức đâm trâu, mổ bò, ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày.
Đội vũ trang Đồn biên phòng Ga Ry tuần tra đường biên giới. |
Theo Chính trị viên Đồn Biên phòng Gary Phan Văn Thí, mặc dù đóng quân trên địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ chiến sĩ luôn xác định đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt. Cán bộ, chiến sĩ luôn thực hiện tốt phương châm “Bốn cùng” gồm cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và cùng nói tiếng dân tộc với bà con. Đồn Biên phòng Ga Ry hiện có 7 đảng viên được cử về tham gia sinh hoạt Đảng tại chi bộ các thôn. Với sự đoàn kết, quyết tâm cao, 5 năm liên tiếp gần đây, Đồn được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng danh hiệu đơn vị “Vững mạnh toàn diện”, 3 năm liền đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”.