Tiến sỹ Phạm Đình Tuyển - Bộ môn Kiến trúc Công nghệ, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội ngày càng lớn, đặc biệt là nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp. Nhu cầu diện tích nhà ở xã hội của những năm trước chưa thực hiện hết, lại gánh thêm nhu cầu mới tăng dần theo từng năm.
Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trên phạm vi cả nước, mới hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ, đáp ứng được gần 28% nhu cầu về nhà ở cho công nhân; 72% nhu cầu còn lại sẽ tiếp tục hy vọng chờ giải quyết và tự giải quyết bằng mô hình thuê trọ.
Ngay cả trong các trung tâm giàu tiềm năng như Hà Nội cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu chỗ ở cho công nhân, còn thành phố Hồ Chí Minh mới giải quyết được khoảng 15% nhu cầu.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật đến hết tháng 12/2017 cho thấy, cả nước có 360 khu công nghiệp, thu hút hàng triệu lao động, tạo ra làn sóng dịch cư lớn từ nông thôn ra đô thị. Xu hướng hiện nay đang diễn ra là nhiều thanh niên rời nông thôn ra đô thị làm công nhân, dù gặp khó khăn cũng hiếm khi quay trở về nơi cũ – ông Tuyển phân tích.
Đại diện đến từ Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản chia sẻ, thống kê từ 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến đầu năm 2018 số lượng công nhân khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở là khoảng 1,2 triệu người. Dự kiến, đến năm 2020 số lượng sẽ là khoảng 3 triệu người. Hiện công nhân khu công nghiệp đang thuê nhà ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư hoặc thuê, mua tại các dự án; trong đó, số lượng thuê nhà trọ tại các khu nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng là chủ yếu.
Nhiều nguyên nhân được các đại biểu thảo luận và chỉ ra như cần làm rõ trách nhiệm chưa rõ của chính quyền địa phương trong việc tạo quỹ đất sạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối; thủ tục hành chính còn kéo dài, phức tạp...; mức độ lợi nhuận thấp (chỉ 10%) khó thu hút của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, gắn liền với hạn chế trong việc huy động, hỗ trợ tài chính và áp dụng tiến bộ công nghệ giảm giá thành sản phẩm.